Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

khí





Khái niệm KHÍ trong triết học và y lý đông phương có mặt trong rất nhiều sách vở tài liệu,các bạn có thể tham khảo để có kiến thức sâu rông về lãnh vực này.Riêng tôi chỉ có thể nói vắn tắt đôi điều theo hiểu biết của mình.

Trước hết,KHÍ không phải là không khí,không phải là năng lượng,không phải là một dạng vật chất cụ thể có thể phân tích và đo đạc.Có thể hiểu KHÍ như một "trường" ( theo nghĩa vật lý học),một dạng "siêu dây" (Superstring Theory,một lý thuyết vật lý học hiện đại lý giải những hiệu ứng ở cấp vũ trụ trong không gian đa chiều :"Multi-Dimensional Space",ít nhất là 10 chiều). KHÍ vô hình vô ảnh.KHÍ có mặt ở khắp nơi trong vũ trụ và cùng biến dịch với mọi biến dịch.

Để có một khái niệm tương đối rõ ràng hơn về KHÍ,ta hãy thử làm một so sánh KHÍ trong lý học phương đông với TRƯỜNG trong vật lý học phương tây,dù hai lãnh vực này hoàn toàn khác nhau và không có tiếng nói chung,nhưng trong phạm vi ngôn ngữ thông thường được bao bọc bởi óc tưởng tượng khái quát,tôi nghĩ ta có thể ngộ ra lẽ tương đồng ở một số mặt nào đó.

TRƯỜNG trong vật lý học có nhiều dạng,ở đây ta thử dùng khái niệm"trường điện từ"(Electromagnetic Field ) để so sánh vì ta đang sống trong thế giới của trường này với phố xá sáng choang ánh điện,với máy vi tính,điện thoại di động,TV...là những biểu hiện rõ nét của lực điện từ.Nhưng những hoạt động bình thường khác như khi ta ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp mà không ngạc nhiên vì sao ta có thể nhìn thấy những khung cảnh tuyệt vời ấy.khi ta đặt một bình hoa trên bàn mà không ngạc nhiên vì sao nó không bị lực hút của trái đất lôi nó xuyên thủng mặt bàn...tất cả đều do bản chất điện từ mà ra.Lực điện từ có thiên hình vạn trạng như một đóa sen ngàn cánh nở ra giữa thế giới của chúng ta.

Trong vật lý học,"trường điện từ" được mô tả như là một "trường vật lý của các điện tích chuyển động và thực hiện sự tương tác của chúng".Ở đây ta gặp khó khăn với "điện tích",vì muốn hiểu "điện từ trường" ta cần phải hiểu "điện tích" là gì.Vậy lý học mô tả "điện tích"như là tính chất của một số hạt cơ bản ( Particle : hạt nhỏ dưới mức nguyên tử như electron,proton,neutron...)
thể hiện ở chỗ các hạt đó luôn gắn liền với trường điện từ và chịu những tác động nhất định của trường điện từ".

Than ôi ! Tình trạng này khác nào"Không đi thì nhớ thì thương.Đi ra mắc phải cái mương cái cầu !Không đi thì nhớ thì rầu.Đi ra mắc phải cái cầu cái mương !"

Tình huống này làm tôi nhớ đến câu chuyện Thiện Tài Đồng Tử trong kinh Hoa Nghiêm.Thiện Tài  thấy viên minh châu trong bảo tháp.Đi vào bảo tháp để tìm viên minh châu lại thấy bảo tháp trong viên minh châu.Thế là"trong châu có tháp,trong tháp có châu"..."mình với ta tuy hai mà một.Ta với mình tuy một mà hai".( Triết lý "tương nhập"do "duyên sinh"trong Phật giáo,có một nét tương đồng nào đó với vật lý học hiện đại,và có thể biểu thị bằng vòng tròn thái cực,lưỡng nghi trong lý học Đạo gia 
Taoism).

Vòng tròn này biểu thị cho Thái Cực,là nguyên lý cơ bản của vũ trụ đồng nhất thể.Phần đen và trắng biểu thị cho Lưỡng Nghi là Âm và Dương,là hai nguyên lý đối lập cùng vận động,tương tác nhau mà sinh ra vạn vật.Trong phần trắng có chấm đen.Trong phần đen có chấm trắng.Đó là biểu thị của nguyên lý tương tức tương nhập bất khả phân của Thái Cực Lưỡng Nghi ( hầu như hoàn toàn tương đồng với nguyên lý nhân quả của nhà Phật : Trong quả có nhân,trong nhân có quả),cũng như ta không thể tách rời điện tích khỏi điện trường,hoặc không thể tìm thấy điện tích tồn tại biệt lập khi đập vỡ một hạt vi tử ( Particle) mang điện.

Có một điều đáng lưu ý trong vật lý học hiện đại là nếu có một hạt mang điện âm(e-)biến mất thì đồng thời cũng biến mất một hạt mang điện dương(e+),và nếu xuất hiện sự sinh ra hạt mới,chúng cũng sinh ra đồng thời đủ cặp (e- và e+).Đó là nguyên lý bảo toàn điện tích trong tự nhiên.Điều này khiến tôi nhớ tới câu kinh trong Bát Nhã Ba la Mật Đa Tâm Kinh :"Xá lợi Tử,thị chư pháp không tướng : bất sinh bất diệt,bất cấu bất tịnh, BẤT TĂNG BẤT GIẢM."

Đến đây ta có thể nhìn nhận rằng nguyên lý tương tức tương nhập bất khả phân ly là nguyên lý phổ quát bao trùm toàn bộ mọi hiện hữu cũng như sinh tồn.Bây giờ ta có thể quay lại chữ KHÍ được rồi.

Như đã mô tả từ đầu,KHÍ vô hình vô ảnh,có mặt khắp nơi trong vũ trụ và cùng biến dịch với mọi biến dịch.Đó chính là Thái Cực khí.Vì Thái Cực sinh Lưỡng Nghi nên có Âm Khí và Dương Khí.Vì Lưỡng Nghi tương tác mà sinh ra vạn vật  nên Khí cũng mang theo tên của vạn vật như Thiên Khí,Địa Khí,Thổ Khí,Thủy Khí,Cốc Khí.Vì vạn vật tương tác với nhau theo nguyên lý ngũ hành sanh khắc nên có Ngũ Hành Khí : Kim Khí,Thủy Khí,Mộc Khí,Hỏa Khí,Thổ Khí.

Vì con người là một tiểu thiên địa nên con người cũng mang theo trong bản thân mình tất cả các hình thức KHÍ như đã kể.Mỗi cá thể là kết quả của một công trình sáng tạo từ dòng chảy của hệ tộc nên KHÍ hiện hữu trong mỗi cá thể được phân loại theo tính thời gian và không gian là Tiên Thiên Khí và Hậu Thiên Khí.Tiên Thiên Khí bao gồm Nguyên Khí và Tông Khí,là KHÍ được truyền thừa từ bố mẹ tổ tiên.Hậu Thiên Khí bao gồm Thiên Địa Khí và Thủy Cốc Khí,là kHÍ được cá thể hập thụ từ đất,nước,không khí và các chất dinh dưỡng qua thức ăn thức uống.

Mỗi cá thể là một tiến trình vận động trong tự nhiên theo quy luật sinh tồn,mà thực hiện lý tưởng sinh tồn theo quy luật tự nhiên được khái quát hóa rất chặc chẽ và cụ thể trong triết học Chu Dịch.Ở đây ta chỉ cần lưu ý một đặc điểm nổi bật là sự hòa hợp với tự nhiên.

Sống hòa hợp với tự nhiên khiến cho các loại KHÍ bên trong vận hành trôi chảy với bên ngoài làm tinh thần và thể chất sung mãn,Khí vận hành theo cách đó gọi là Chân Khí.

Sự bất hài hòa xảy ra khiến Khí bị bế tắc bởi nhiều lý do.Khí đó được gọi là Tà Khí.Có 6 nguyên do từ môi trường bên ngoài dẫn tới Tà Khí gọi là Lục Khí (lục khí không những chỉ hiện hữu bên ngoài mà còn tiềm ẩn bên trong cơ thể) : 1.Hàn Khí thuộc Thủy.2.Táo Khí thuộc Kim.3.Hỏa Khí thuộc Tướng Hỏa.Đó là 3 loại Dương Khí.3 loại Âm Khí là : 4.Thử Khí hay Nhiệt Khí thuộc Quân Hỏa.5.Phong Khí thuộc Mộc.6.Thấp Khí thuộc Thổ.

Sáu loại KHÍ này có tác động xấu đến cơ thể như sau :


1.Hàn Khí hại gan : Giận dữ cũng làm hàn khí nghịch lên hại gan.

2.Táo Khí hại phổi :Vui mừng quá độ làm táo khí kết lại hại phổi.

3.Hỏa Khí hại tim : Buồn rầu làm thủy khí tiêu tán không khắc chế được hỏa khí nên hại tim.

4.Thử Khí hại thận : Sợ hãi quá khiến nội khí bế tắc tạo điều kiện cho thử khí làm hại thận.

5.Phong Khí hại tâm bào,tam tiêu :u uất trầm cảm khiến cơ thể không chống chịu được phong khí nên tâm bào và tam tiêu bị tổn thương..

6.Thấp Khí hại tỳ : Lo nghĩ làm khí kết lại không thông được nên thấp khí phát triển làm hại tỳ.

Như thế,ta thấy được mối quan hệ giữa trạng thái tâm lý với sự biến đổi sinh lý.Đó là lý do khiến một số trung tâm nghiên cứu y học lớn trên thế giới kết luận rằng "khoảng 90 phần trăm các loại bệnh tật đều có nguồn gốc tâm lý"

Hình như chưa có một giải thích thỏa đáng nào nào về cơ chế tác động của tâm lý đối với sinh lý.Tất cả chỉ là mô tả,nhưng hệ quả của nó thì đã được thừa nhận từ ngàn xưa tới nay.Chính vì thế mà cuộc đấu tranh của y học với bệnh tật không thể chấm dứt,bởi còn đau khổ thì còn bệnh tật,cho nên con người phải tìm tới một giải pháp khác là tôn giáo.Bất kỳ tôn giáo nào cũng có tác dụng xoa dịu nỗi đau của con người,làm thăng bằng tâm lý như một liệu pháp tinh thần hữu hiệu.Môn Khí Công dù không phải là một tôn giáo,nhưng tập luyện khí công với mục đích đạt đới sự hư tĩnh trọn vẹn của thân tâm cũng là một liệu pháp hữu hiệu chữa lành mọi khổ đau.

Cũng giống như KHÍ và chất,điện và trường,âm và dương : Tinh thần và thể chất là một chỉnh thể thống nhất trong một vũ trụ đồng nhất.Bảo vệ được tính thống nhất đó là bảo vệ được sự vẹn toàn của KHÍ,trả lại cho "Caesar những gì của Caesar".

Có thể kết luận KHÍ bằng 2 câu kinh :

1.Kinh Dịch nói rằng :"Luật trời không ở đâu xa.Luật trời biến dịch trong ta hài hòa."

2.Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa nói :"Xá Lợi Tử,sắc bất dị không.không bất dị sắc.Sắc tức thị không.Không tức thị sắc..."


                              YÊN HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét