Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

SẮC và KHÔNG




"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo.
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí.
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo."

                     Ao Thu-Nguyễn Khuyến-

Thuyền bơi trên nước.Lá bay trong gió.Những vật thể rắn chắc(hay mềm mại) chuyển động trong một không gian trống rỗng là hình ảnh trực quan trong cuộc sống hàng ngày giống như mỗi sáng ta vác xe đi làm,đưa đón con cai,đi cafe,đi nhà hàng,đi du lịch.Ta thường không rỗi hơi đâu mà tìm hiểu xem ta rắn chắc như thế nào và không gian chung quanh ta nó rỗng ra làm sao.Nếu lỡ gặp nghịch cảnh như bị cháy nhà,mất của,mất người thân,bị tai nạn hoặc lâm trọng bệnh,ta lại càng không có thì giờ để suy nghĩ vì lúc đó những phản ứng của xúc cảm tiêu cực như lo lắng khổ sở đã phủ bóng đen lên cả cuộc đời.

Phản xạ tâm lý có điều kiện là những phản ứng mà ta tự tập thành thói quen khi phân biệt vật thể chỉ là vật thể,khoảng không chỉ là khoảng không.Điều đó có nghĩa rằng chúng ta vì quá phân biệt rạch ròi mọi thứ nên dễ bị thiếu lòng cảm thông và thương yêu vì không tìm ra mẫu số chung giữa những đối nghịch và mâu thuẫn. Hãy nhớ lại nội dung của đoạn đầu Kinh Pháp Cú (Phẩm Song Yếu) :"Chính ý nghĩ của ta làm nền móng cho tư tưởng ta,và xuất phát từ đó mà suy nghĩ và hành động của ta sẽ mang lại đau khổ hay hạnh phúc cho ta là điều tất yếu."Thấy được tầm quan trọng của nhận thức như thế chúng ta mới cỏ thể hăng hái vác cuốc ra vườn và bắt đầu đào xới.

Nhát cuốc đầu tiên cuốc trúng một hòn đá đánh "keng"một tiếng.Hồi xưa đã từng có một Thiền sư nhờ cuốc trúng hòn đá mà hốt nhiên đại ngộ.Nhà vật lý học Newton cũng nhờ trái táo rơi(chắc rơi trúng đầu ! Hic hic) mà ngộ ra định luật vạn vật hấp dẫn.

Thế giới hiện thực mà ta đang sống là một thế giới vật chất,nhà Phật gọi là SẮC.Với kiến thức khoa học phổ thông hiện đại chúng ta đều biết rằng vật chất là một cấu trúc đa dạng được xây dựng từ những thành phần cơ bản không thể phân chia là những vi hạt tử(particles,như electron,proton,neutron,là 3 thành phần chính của cấu trúc nguyên tử).Những thành phần cơ bản này quá nhỏ,vượt xa khỏi tầm nhận thức của cảm quan,nhưng ta vẫn thân thiết với chúng trong đời sống hàng ngày : Móc điện thoại di động ra a lô.bấm rì mốt coi TV,coi DVD.Mở máy tính ra online chát chiết.Thế là ta biết khoảng không gian chung quanh ta cũng lấp đầy vật chất : từ hơi nước đến những phân tử của các loại chất khí(oxygen,nitrogen,carbonic,v...v...)đến các sóng điện từ với đủ loại tần số khác nhau(bao nhiêu là kênh TV,kênh radio,bao nhiêu là kênh điện thoại,quá xá trời),lại thêm ánh sáng(cũng là một dạng sóng diện từ)với những bước sóng ngắn dài đủ cỡ.Với mật độ giao thông "ngựa xe như nước áo quần như nêm"thế mà "em nào cũng có phần",cũng kiếm dường chui qua trót lọt.Thế nên Lão Tử mới than :"Đạo thì trống rỗng mà đổ vào mãi không đấy."(mới nghe mà giật mình,chợt liên tưởng tới lòng tham không đáy đổ vào mãi không đầy.Chẳng lẽ lòng tham cũng là Đạo,nhưng chắc là Đạo Tặc ! vì lòng tham tự nó đổ đầy chính nó nên mọi thứ khác có đổ vào cũng chỉ vô giá trị ,giống như tiền như không mà có,tiền mà có cũng như không !).

Đến đây buộc ta phải suy nghĩ rằng dù số lượng vật chất có bao la đến mức nào thì vẫn phải tồn tại một khoảng trống không tuyệt đối bao bọc nó để nó có thể chuyển động.Đó cũng chính là thế giới quan của nền vật lý học cổ điển mà ta đã từng học ở bậc phổ thông.Các lực cơ học luôn xảy ra trong một không gian đẳng hướng và đồng nhất.Bởi thế ta kết luận rằng vật chất và không gian bao quanh nó(Sắc và Không)là 2 thực thể hoàn toàn tách biệt.

Nhưng tình thế đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi thuyết tương đối tổng quát(General Relativity Theory)của Einstein ra đời.Xin chú thích là ở đây ta chỉ vận dụng những hệ quả của thuyết tương đối để thuyết minh chứ không dám bàn vè thuyết này vì nhớ lại chuyện 2 vĩ nhân khen nhau :" Einstein khen Charlot vĩ đại vì ai cũng hiểu và xúc động với kịch câm của ông.Charlot khen Einstein vĩ đại vì chẳng ai hiểu được thuyết tương đối của ông !"

Trước khi "tri tân" ta cũng nên"ôn cố"lại tình hình của vật lý học cổ điển một chút.Khi khảo sát các tương tác cơ học,các nhà vật lý đã tranh cãi về 2 giả thuyết khác nhau :một là tương tác trực tiếp,gọi là tác dụng xa,có nghĩa là tương tác xảy ra tức thời qua không gian trống rỗng như lực hấp dẫn giữa các thiên thể.Hai là tương tác gián tiếp,gọi là tác dụng gần,có nghĩa là tương tác được thực hiện thông qua một trường trung gian,giống như"tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài...!"

Khi 2 nhà vật lý học Faraday và Maxwell đặt nền móng cho điện động lực học thì khái niệm "trường"đã được xác lập không chối cãi.Các điện tích chỉ tương tác với nhau thông qua điện từ trường(điện và từ là 2 mặt của cùng một vấn đề),không có chỗ cho không gian trống rỗng,và điện từ trường trở thành một đại lượng vật lý xác định.Tự điển vật lý định nghĩa"Điện tích là tính chất của các hạt vi tử mang điện(electron,proton,pozitron)thể hiện ở chỗ các hạt đó luôn gắn liền với điện từ trường và chịu những tác động nhất định của điện từ trường."Vậy điện từ trường là gì ? Tự điển định nghĩa :"Điện từ trường là trường vật lý của các điện tích chuyển động và thực hiện những tương tác giữa chúng."Ở đây lần nữa ta lại chạm mặt với lý Nhân Quả Duyên Khởi của nhà Phật :"Vì có điện tích nên có điện từ trường.Vì có điện từ trường nên có điện tích.Không có điện tích thì không có điện từ trường.Không có điện từ trường thì không có điện tích."Đúng là"Mình với ta tuy hai mà một.Ta với mình tuy một mà hai."

Bây giờ quay lại với thuyết tương đối tổng quát,Einstein đã chỉ ra rằng các thiên thể hút nhau thông qua trọng lục trường(Gravity field).Trọng lực trường này uốn cong không gian bao quanh thiên thể vì thế mà nó làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc hình học của không gian.Hệ quả là vật chất của thiên thể không thể tách rời trọng lực trường cũng như trọng lực trường không thể tách rời không gian cong.Thế là ở đây vật chất và không gian (Sắc và Không) không còn là hai thực thể độc lập mà là một chỉnh thể tương duyên tương sinh,tương tức tương nhập. :"Sắc bất dị Khộng,Không bất dị Sắc.Sắc tức thị Không,Không tức thị Sắc."

Từ ngoài vũ trụ ta lại về với thế giớ nhỏ bé quanh ta,ngồi trước màn hình TV mà đối mặt với không gian lượng tử.Ta biết rằng bất kỳ vật thể nào bị đốt nóng cũng phát ra sóng điện từ,kể cả thân nhiệt 37 độ C của ta.Các nhà vật lý cổ điển đã thử đo đạc định lượng bức xạ này bằng phương trình Maxwell và định luật cơ học Newton.Kết quả thật phi lý vì mọi thứ sẽ bị mất năng lượng rất nhanh và mau chóng lạnh đi đến độ không tuyệt đối.Có một cái gì sai sót ở đây nên kết quả mới đi ngược lại thực tế như thế.Phải đợi đến Max Planck đưa ra khái niệm "lượng tử"(quantum)và xây dựng lý thuyết lượng tử thì vấn đề mới được giải quyết ổn thỏa.Rất đơn giản là các sóng điện từ chỉ bức xạ năng lượng  từng lượng tử,nghĩa là từng phần nhỏ của nó,nhưng mỗi phần nhỏ đó đều mang theo đầy đủ các tính chất của sóng điện từ.(Hèn chi mà Kahlil Gibran đã nói :"Qua giọt nước ta thấy được đại dương.").Hãy tưởng tượng bạn đang xuôi thuyền trên sông giữa một ngày nắng đẹp.Những hạt hơi nước li ti từ dòng sông bốc lên mát rượi trên da bạn,và dòng sông vẫn êm đềm trôi xuôi.Thế là ta có thể tạm rút ra kết luận :"Trong cái liên tục luôn luôn có cái bất liên tục."

Einsten cũng phát biểu như thế về bản chất ánh sáng từ năm 1905.Ông cho rằng sự liên tục của ánh sáng bao gồm những thành phần riêng lẽ mang xung lượng và năng lượng.Tính chất của những thành phần này giống nhau một cách kỳ lạ với tính chất của cát hạt vi tử,nên người ta gọi những hạt ánh sáng là quang tử (photon).Bây giờ thì đã rõ,quan niệm này trở thành khái niệm chuẩn xác của vật lý học hiện đại về bản chất 2 mặt sóng (liên tục) hạt (bất liên tục) của ánh sáng (cũng là sóng điện từ).Không riêng gì ánh sáng mà hãy nhìn lại dòng đời của chính mình xem,ai mà chẳng hai mặt để lúc "đi với Bụt thì mặc áo Cà Sa",lúc "đi với ma thì phải mặc áo giấy"chứ !

Vì photon vừa là hạt vừa là sóng nên nó cũng là biểu hiệu của điện từ trường(giống như con người vừa có áo giấy vừa có áo cà sa nên cũng là biểu hiệu của Phật tánh),thế là xuất hiện khái niệm "lượng tử trường"(quantum field),nghĩa là trường mang hình thức lượng tử của vi hạt tử.Lượng tử trường được xem là một thực thể vật lý dàn trải khắp không gian như một dung môi liên tục cho các vi hạt tử tương tác,mà mỗi vi hạt tử chỉ là sự cô đọng từng nơi của trường,chúng chỉ là sự tập kết của năng lượng,thoắt hiện thoắt biến,không có cá tính biệt lập,xuất hiện do trường và tan rã vào trường.

Ở đây khiến ta lại liên tưởng đến thế giới quanh ta và chính bản thân ta.Cái bổn lai diện mục của ta biến hóa như là ảo ảnh mà cũng là hiện thưc.Sinh diệt chỉ là những ngọn sóng lăn tăn chìm nổi trên bề mặt của đại dương mênh mông bất sinh bất diệt.Mỗi cá nhân là một "lượng tử"của "trường vi diệu".Giá trị của nó thật là lớn lao vì nó chính là đại dương gói trong giọt nước.Nó bất tử vì nó không có ngã tính,vì nó là SẮC của KHÔNG,là KHÔNG của SẮC.

Tưởng cũng cần nhắc lại thế giới quan của vật lý học cổ điển về bản chất của vật chất.Những viên gạch cơ bản của vật chất là những vi hạt tử rắn chắc không thể phân chia và có cá tính đôc lập.Nhưng từ khi hệ thức E=m.c2(Năng lượng là tích số của khối lượng với bình phương vận tốc ánh sáng)của Einstein ra đời và đã được thực nghiệm bằng các lò phản ứng hạt nhân thì một chân trời mới đã mở ra cho quan niệm về bản chất của vật chất :"Vật chất không khác năng lượng.Năng lượng không khác vật chất.Vật chất chính là năng lương.Năng lượng chính là vật chất."

Nhát cuốc đầu tiên cuốc nhằm hòn đá đánh "keng"một tiếng,hốt nhiên đại ngộ,vứt cuốc cả cười vì mâu thuẫn đối nghịch giữa SẮC và KHÔNG đã được vượt qua.

"Kể từ xương đá trổ hoa
Sau lưng hài chiếc bước qua luân hồi.
Sống là thơ mộng mà chơi
Chết là nhảy giữa giọng cười Hư Không."

    ( Thơ của Phù Du Lão Hiền,bạn của tôi.)
                        YÊN HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét