Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

BÓNG CÂU QUA CỬA



"Ngày Xuân con én đưa thoi
           Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi."
                            Nguyễn Du-Kiều-

Thời gian "như bóng câu qua cửa",như"nước chảy qua cầu",thấm thoắt như"thoi đưa",vùn vụt như"mũi tên bay".Ngồi bên cửa sổ mà thơ thẩn ngó ra đường thì thấy thời gian nó chạy qua như ngựa.Nhưng ngồi trong tù ngó qua song sắt mà bóc lịch thì"nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại"(cho nên các nhà làm luật mới thương tình cho phép lót tiền để được tại ngoại hầu tra,hehe).Thế nên cụ Nguyễn Du mới bảo :"Ngày vui ngắn chẳng đầy gang",và"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."

Từ ngàn xưa con người đã biết quan sát các chu kỳ của mặt trời mặt trăng ,của khí hậu thời tiết rồi từ đó ắn định niên lịch phục vụ cho canh tác nông nghiệp.Nhờ lắng nghe gà gáy,tắc kè kêu,nhìn thấy bóng núi bóng cây thay đổi theo vị trí mặt trời trong ngày mà người ta biết làm ra đồng hồ,từ đồng hồ cát cho đến đồng hồ nguyên tử.Thế là người ta đã sáng tạo ra thời gian để đo lường vận tốc và khoảng cách phục vụ cho những nhu cầu thiết thực của cuộc sống.Lâu dần người ta quá quen với nó đến nỡi tin rằng nó là một sự thật khách quan giống như khoảng không trống rỗng để cho các vật thể chuyển động.Người ta biến nó thành con ngựa,dòng nước,con thoi,mũi tên và tưởng mình có thể ngồi thong dong mà nhìn nó chạy,mà ngắm nó bay,hehe.

Nhưng thật sự là chúng ta tự ngồi trên lưng thời gian như ngồi trên lưng cọp,không dám leo xuống vì sợ nó xơi tái,hehehe,nên chi ta nhìn thấy quá khứ cứ chạy lui không bao giờ trở lại.Tương lai thì mờ mịt trong mòn mỏi đợi chờ vì không biết chừng nào con cọp nó mới mệt xỉu để cho mình chạy thoát,hehe.Còn hiện tại thì bình yên trên từng cây số thót tim vì lỡ sẩy tay rớt khỏi lưng cọp là tiêu tùng,hehehe.

Vậy ta hãy giở Kinh Hoa Nghiêm xem Phật giáo quan niệm thế nào về thời gian.Phật dạy rằng đầu sợi tóc cũng đỡ được cả núi Tu Di,một cốc nước cũng đủ chứa cả tam thiên đại thiên thế giới,và chỉ trong một sát na(đơn vị thời gian cực nhỏ,ước chừng phần trăm giây) cũng diễn ra cả a tăng tỳ kiếp(vô lượng kiếp).Những điều này mới nghe qua có vẻ như hoang đường thần thoại nếu xem nó như một sự thật khách quan,và cực kỳ tối tăm khó hiểu nếu xem nó như một triết học vì nghịch lý cái lớn nằm trong cái nhỏ.Sự thể như thế này cũng từng xảy ra với những quan niệm đột phá trong khoa học hiện đại,điển hình như thuyết tương đối của Einstein gắn kết không gian với thời gian thành một liên thể "không-thời gian"và xử dụng nó như trục tọa độ thứ tư gắn vào 3 trục tọa độ của không gian 3 chiều(bây giờ là không gian 4 chiều)trong những phương trình toán học nhằm mô tả chính xác những hiện tượng tương đối.Hệ quả của lý thuyết này là 2 nghịch lý nổi tiếng : sự co chiều dài và nghịch lý anh em sinh đôi.Theo lý thuyết, khi một vật thể di chuyển với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng thì không gian co lại và thời gian giãn ra.Điều đó có nghĩa rằng nếu bạn cao mét bảy mà bạn bay nhanh cỡ đó thì bạn chỉ còn cao có bảy phân,hehehe.Nếu bạn có một ông em sinh đôi chờ bạn dưới đất thì khi bạn trở về anh em không còn nhận ra nhau nữa vì ông em bạn đã bạc tóc bạc râu da dẻ nát nhầu,còn bạn thì vẫn da dẻ láng ơ mày râu nhẵn nhụi,hehehe.Điều này không ai chấp nhân vì nó không có trong " thực tế",mà "thực tế"là gì,đó chỉ là khoảng bé nhỏ hạn hẹp của tâm thức ta mà thôi.Khi các phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân ra đời(các máy gia tốc cực mạnh chuyên bắn phá các hạt nhân nguyên tư)thì một "thực tế"khác đã mở ra : hệ quả về sự co chiều dài và giãn thời gian đã được xác nhận chuẩn xác qua sự thể hiện của các vi hạt tử,vì trong không gian của máy gia tốc các vi hạt tử di chuyển vơi vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng,hạt bay mau sống lâu hơn hạt bay chạm và cũng "lùn" hơn.Thế là nghịch lý đã không còn là nghịch lý nữa.

Cái bình thường chỉ trở thành nghịch lý khi ta nhìn nó từ một góc độ khác.Ví dụ như trên một mặt phẳng 2 chiều thì tổng số các góc của hình tam giác luôn luôn là 180 độ.Các nhà toán học của thế giới 2 chiều tin đó là chân lý toán học bất di bất dịch.Nhưng trong không gian 3 chiều của một khối hình cầu thì tổng số các góc của tam giác trên mặt cầu lớn hơn 180 độ,và số đo ấy sẽ càng lớn hơn theo độ lớn của khối cầu.Đối với các nhà toán học không ra khỏi mặt phẳng 2 chiều để sống trong khối cầu 3 chiều thì số đo này là một nghịch lý không thể chấp nhận được.Điều này nhắc ta nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn Đức Phật kể về con cá và con rùa : Con rùa sau khi lên bờ dạo chơi,trở xuống dưới nước kể chuyện cho cá nghe,không con cá nào tin mà còn nhạo báng con rùa kể chuyện hoang đường,hehe.Trong thời buổi hiện đại này chúng ta đều biết rằng khả năng tồn tại của không gian đa chiều là hoàn toàn khả thi ,bởi vì kiến thức chúng ta vẫn còn là hạt cát trong sa mạc và khả năng trí tuệ của ta vẫn còn là hòn đảo giữa đại dương,vì thế chúng ta sẵn sàng đón nhận mọi nghịch lý để quán chiếu nó dưới ánh sáng Trí Huệ.

Cũng tương tự như thế,nghịch lý Hoa Nghiêm sẽ không còn là nghịch lý nếu ta biết xử dụng phòng thí nghiệm của chính bản thân bằng phương pháp Thiền quán.Ý nghĩa của nhân quả duyên khởi,tương tức tương nhập trong triết học Hoa Nghiêm nếu được luận giải thì có thể gây cảm hứng cho giới trí thức.Nhưng đối với những khối óc nhạy bén mà không thích tư tưởng này thì họ cũng có thể phản bác bằng nhiều lập luận thuyết phục."Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo "mà,hehehe.Cho nên nhà Phật mới quả quyết rằng Chân Lý là "không thể nghĩ bàn".Lão Tử cũng có ý kiến tương tự :"Ngôn giả bất tri.Tri giả bất ngôn."(Nói thì không biết.Biết thì không nói) .Đến đây ta lại thấy có điểm tương đồng với khoa học thực nghiệm :Bất kỳ lý thuyết nào cũng chỉ có giá trị sau khi nó được kiểm chứng bằng thực nghiệm và cho thấy nó phù hợp với thực nghiệm.Lý thuyết nhân quả duyên khởi tương tức tương nhập cũng thế,nó đòi hỏi hành giả phải quán chiếu và chứng ngộ nó bằng tuệ giác của mình,và lúc đó thì chuyện núi Tu Di trên đầu cọng tóc,tam thiên đại thiên thế giới trong cốc nước và a tăng tỳ kiếp trong một sát na không còn là nghịch lý nữa mà khỏi phải mất công biện luận dông dài,hehehe.Lúc ấy có lẽ ta sẽ rất thích tụng bài kệ mà Đức Phật đã dạy sau đây :

                      "Đừng tìm về quá khứ
                       Đừng tưởng tới tương lai
                       Quá khứ đã không còn
                       Tương lai thì chưa tới
                       Hãy quán chiếu sự sống                          
                       Trong giây phút hiện tại
                       Kẻ thức giả an trú
                       Vững chải và thảnh thơi...."

                                       -000-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét