Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

THÂN TÂM AN LẠC




"Thân tâm an lạc" là câu chúc nhau rất thường xuyên của bạn bè trên Multi.Đó là đóa hoa đẹp nhất và trân quý nhất mà ai cũng mong muốn nhưng không dễ có được !

Thân và tâm là hai phạm trù mâu thuẫn đối nghịch có thể được trực quan trong cuộc sống hàng ngày.Bất cứ ai cũng thường xuyên trải nghiệm những điều thân say yes,tâm say no,thân say no tâm say yes ! "Tâm như con vượn,ý như con ngựa",còn thân thì như con rùa !

Thời buổi kinh tế thị trường,lạm phát leo thang,tiền đồng ngày càng mất giá,cuộc sống trở nên chật vật hơn khiến không những chỉ riêng kẻ nghèo phải lo lắng mà cả người giàu cũng thế (nhà giàu cũng khóc là chuyện thường tình mà) ! Thông tin thì toàn chuyện tiêu cực : chiến tranh,bất ổn chính trị,lũ lụt,sạt lở,động đất,sóng thần,nguy cơ nhiễm phóng xạ...Nhưng cụ thể nhất là nguy cơ bệnh tật do thức ăn độc hại (thời buổi y học tiến bộ và thông tin nhanh chóng nên người ta ngày càng phát hiện ra nhiều loại bệnh tật dễ lây nhiễm nên càng lo sợ nhiều hơn),và tai nạn giao thông là những điều làm ta lo lắng thường xuyên.

Khi tâm không yên,người ta hay đổ thừa cho ngoại cảnh :"Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng !"Nhưng chính cái "muốn lặng" đó là động lực tạo nên gió mà ta không nhận thấy.Khi muốn lặng ta luôn phải làm một cái gì đó để được lặng bởi ta thấy sao gió cứ thổi hoài mà không thấy rằng chính cái áp thấp của lòng mình đã thu hút những cơn bão tố.Cái áp thấp của lòng chính là"Ái,Thủ,Hữu" mà nhà Phật đã mô tả trong vòng quay thập nhị nhân duyên của luân hồi mà động lực xoay chuyển ấy là vô minh,hành :"Tôi làm chẳng biết vì sao tôi làm !"(người ta hay tìm cách biện minh cho hành động của mình là hợp với lẽ phải.Nhưng lẽ phải của ta có khi là lẽ trái của người,và lẽ phải lúc này có khi là lẽ trái lúc khác,cho nên càng biện minh,càng đi xa sự thật !)

Tâm đã vậy,còn thân thì sao ? Ta thường lấy cái tâm mà quán xét cái thân,hệt như chủ nhà quán xét người làm ! Cái tâm cứng cỏi thì khắc phục được cái thân.Cái tâm mềm yếu thì bị cái thân nó sai khiến.Đó là cách nghĩ rất phổ biến.

Nhưng trong chân lý thứ nhất (Khổ Đế) của nhà Phật,ta thấy cái thân là sắc uẩn,là tập hợp của bốn yếu tố (tứ đại) đất,nước,gió,lửa.Nhưng sắc uẩn không thể hiện hữu độc lập mà cùng với nó còn có bốn uẩn(tập hợp)khác là thọ,tưởng,hành,thức để tạo thành một phức hợp là cái tôi đang hiện hữu với những nét cá biệt giữa muôn vạn cái tôi khác (nên mới có bài hát"Chỉ vì đó là em")Trong phức hợp này thì cái tâm chỉ là một tên gọi khác của uẩn thứ năm : Thức uẩn.

Như thế thì từ góc độ của triết học Phật giáo mà xét,thân với tâm đều là một bộ phận của ngũ uẩn,chúng ràng buộc nhau,chi phối nhau cùng với ba uẩn khác là thọ,tưởng,hành và đều do duyên sinh nên đều vô thường,vô ngã.

Ta có thể có một hình ảnh trực quan về chân lý trên khi nhìn thân tâm từ góc độ sinh lý học.thân xác ta được chi phối bởi hệ thần kinh trung ương,đại bộ phận do ý thức chỉ huy,nhưng một bộ phận rất quan trọng khác là hệ thần kinh thực vật(Autonomic Nervous System),nó điều khiển chức năng của tạng phủ ngoài phạm vi kiểm tra của ý thức.Rối loạn thần kinh thực vật gây ra nhiều biểu hiện của bệnh tật rất đa dạng,kể cả những bệnh tâm thần nguy hiểm như bệnh tâm thần phân liệt,bệnh trầm cảm,mà biểu hiện phổ biến nhất là những biểu hiện do Stress.Nguyên nhân của những rối loạn thần kinh thực vật đều có nguồn gốc tâm lý,bởi tất cả những khát vọng tạo lập một trật tự tốt hơn đều sinh ra bất ổn,và sự bất ổn lại tạo điều kiện cho sự cố gắng tái lập trật tự khác,cho tới một điểm tới hạn thì tất cả "Boom" một phát,thế là từ Stress có thể dẫn tới trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt !

Cái thân xác có tiếng nói riêng của nó,ta không nghe không hiểu nên mới phải nhờ tới bác sĩ,nhưng bác sĩ cũng đâu thể hiểu hết được ! Thế nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phải "Đôi khi ta lắng nghe ta"...Nhưng có lẽ phải nghe kiểu của Krishnamurti :"Lắng nghe không phê phán",bởi lẽ "sóng âm u" chỉ là một ảo ảnh,không phải là thực tướng của sóng,bởi vì những biểu hiện của sóng là vô thường.

Nhà Phật đã lấy hình ảnh của sóng nước để ví von tính hai mặt của con người và cuộc đời.Hiện tượng là vô thường(hay thay đổi),nhưng bản chât là thường(bất biến),nên mới có câu :"Vô thường thị thường"(Thông qua cái bề ngoài hay thay đổi sẽ nhận ra được cái giá trị bất biến).

Thân và tâm cũng giống như sóng và nước,như đời và đạo.Một bên là hữu tướng,một bên là vô tướng,một bên là sắc một bên là không."Sắc tức thị không.Không tức thị sắc",cho nên khi còn ý thức phân biệt giữa thân và tâm thì cái vòng thị phi vẫn còn quay tít !

Có một nhà điêu khắc định nghĩa điêu khắc là đục bỏ những cái dư thừa để có một bức tượng đẹp.Có lẽ để thân tâm được an lạc cũng thế,cần phải xả bỏ những ý thức phân biệt rườm rà rắc rối để thấm nhập vào ý thức vô phân biệt mà trải nghiệm cụ thể thân tâm là một.

Khi đã từng trải được kinh nghiệm trên,khát vọng làm sao cho thân tâm an lạc sẽ hoàn toàn biến mất như một khối đá đã được đục bỏ những cái dư thừa,và chỉ khi ấy mới có thể nói rằng thân tâm hoàn toàn an lạc.

                              YÊN HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét