Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

NHÌN MỘT LẦN CHO RÕ MẶT OAN KHIÊN




Sáng nay những tia nắng trong veo như một lớp sơn màu hổ phách quét lên bãi cỏ dại bên kia đường làm óng lên những mảng xanh lục biếc,chim hót rộn ràng trong vườn thông của villa đối diện.

Trước sân nhà tôi lổn ngổn mấy con giun ông hàng xóm đào về câu cá đang ngo ngoe.Hai ba con chim sà xuống,một con nhanh mỏ phụp một phát,chỉ còn thấy một chút đuôi giun ngo ngoe thòi ra bên mép cái mỏ đói ăn.Ông hàng xóm vội vàng vơ mấy con giun còn lại bỏ vào lon rồi xách cần câu rồ máy xe ra đi.

Thế là sẽ có một số cá được khoái khẩu với món điểm tâm béo bổ sáng nay,và ông hàng xóm cũng sẽ được khoái khẩu với món cá chiên trưa nay.Biết đâu chiều nay trong một quán nhậu nào đó cũng có người khoái khẩu với món chim rô ti.Rồi biết đâu tối nay trên một con đường nào đó có kẻ say ngất ngưỡng đâm đầu vào bánh xe tải...Thế là"cho trăm năm vào chết một ngày."(Trịnh Công Sơn-Cát Bụi-)

Mới sáng sớm đẹp trời mà nói chuyện chết chóc thì rõ"khéo lo bò trắng răng",hehe.Nhưng quả thật ai"chưa thấy quan tài chưa đổ lệ".Cái món hàng mà "người mua thì không dùng,người dùng thì không mua"ấy chỉ làm rơi lệ người mua thôi (thời buổi này đang cấm rừng nên gỗ đắt lắm ! ),còn người dùng thì chắc phải hồ hởi như Kahlil Gibran từng nói :"Chỉ khi nào lòng đất đòi tứ chi các ngươi mới thực sự khiêu vũ."

Tôi có một ông bạn nhà thơ cũng từng viết được hai câu thơ tương tự :

"Sống là thơ mộng mà chơi."

Khi viết câu đó ổng đang bệnh,ăn không được,nói phều phào,chân đi run run,tay cầm bút cũng run run nên viết quên bỏ dấu.Không biết có phải nguyên văn là"thở mỏng"không,mà bạn bè khỏe mạnh thì cứ đọc là"thơ mộng",hehehehe.

"Chết là nhảy giữa giọng cười Hư Không."

Cho đến bây giờ ổng vẫn chưa chết,nhưng lúc đó có lẽ do chân run quá nên ổng mơ tưởng đến một trận nhảy nhót đã đời,hehehehe.

Cái chết được thơ mộng hóa như thế đấy,còn sự thực ra sao thì"đoạn trường ai có qua cầu mới hay",hehe.Nhưng cái chết có lẽ cũng không mấy xa lạ với cái sống.Tôi nhớ có một câu thơ của Xuân Diệu :

"Yêu là chết trong lòng một ít."

Từ đó tôi bèn suy ra : 

"Có nghĩa rằng yêu ít chết ít thôi.
Ai yêu nhiều thì phải chết gấp đôi.
Yêu là chết...
Mà sống là yêu vậy."  Hehehehe

Mỗi ngày không biết có bao nhiêu là người chết đi.Cứ nghe đài,đọc báo,xem TV,hỏi y tá bác sĩ trong bệnh viện hoặc công ty mai táng sẽ rõ.(Cái khoản này không ai tiếp thị khuyến mãi mà sao cứ đắt hàng mới lạ chứ ! ).Cùng lúc ấy không biết bao nhiêu là trẻ sơ sinh ra đời.Giá như ta xem được thống kê của tất cả các nhà hộ sinh trên thế giới sẽ thấy con số ấy lớn đến mức nào.Nhưng con số ấy sẽ càng khủng khiếp hơn nếu như kế hoạch hóa gia đình chưa đươc triển khai trên qui mô toàn cầu,hehehe.

Bức tranh sinh diệt không giới hạn ở loài người mà trải rộng khắp muôn loài,từ những loài li ti mắt không thấy được đến con sâu cái kiến lá cõ cành cây.Đó là bản Giao Hưởng Vĩ Đại của Tự Nhiên.Khi chiếc đũa Thần nâng lên thì muôn lớp sóng dâng trào.Khi chiếc đũa Thần hạ xuống thì ngàn lớp sóng lắng sâu.Và cứ thế,hàng hàng lớp lớp sóng đun đẩy nhau trong một vũ điệu xoay tròn bất tận,không thể biết đâu là khởi nguyên đâu là chung cuộc.

Ngày nay khoa sinh vật học và sinh thái học đã cho chúng ta không ít kiến thức về chuỗi thức ăn trong mắc xích của hệ sinh thái khiến chúng ta phải nhớ lại câu nói chí lý của ông bà xưa :"Cá ăn kiến,kiến lại ăn cá."Rồi ông bà cũng nhận xét :"Miếng ăn là miếng tồi tàn."Mới nghe qua thì thấy sao mà tiêu cực thế ! Xã hội phải phát triển để cho"ai cũng có cơm ăn,ai cũng được học hành."Đúng thế thật,thời buổi này quán ăn lề đường mọc lên như cỏ,nhà hàng khách sạn mọc lên như nấm...Nhưng nghĩ kỹ lại mới thấy ông bà xưa sao mà minh triết thế,đã chỉ ra được khía cạnh phủ phàng của cái miếng ăn.Chính vì miếng ăn của mình mà loài này trở thành tử thần của loài kia,người này trở thành kẻ thù của người nọ !

Triết học Phật giáo có một cách nhìn thức ăn rất thú vị.Thức ăn được phân loại thành bốn nhóm :

1.Đoạn thực :là các loại thức ăn vật chất thông thường.
2.Xúc thực : là thức ăn sinh ra do sự tiếp xúc của sáu căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý ) với sáu cảnh (hình dạng âm thanh mùi vị tư tưởng).
3.Thức thực : là thức ăn sinh ra do hoạt động của Thức uẩn.
4.Tư niệm thực : là thức ăn sinh ra do 3 thứ Ái :
                           a).Dục Ai : là sự khát khao khoái lạc giác quan.Ở đời ai mà chẳng thích ăn ngon mặc đẹp,xe hơi nhà lầu,giàu sang phú quí,hehe.
                            b).Hữu Ái : là sự khát khao tồn tại và trở thành.Ở đời ai mà chẳng tham sống sợ chết,muốn trỏ thành ông nọ bà kia,muốn đi tu để thành Tiên thành Phật,hehe.
                             c).Diệt Ái : là sự khát khao tự hủy diệt.Ai cũng biết thuốc lá gây ung thư phổi nhưng vẫn thích phì phèo.Ai cũng biết bia rượu gây xơ gan chết sớm nhưng vẫn khoái rủ nhau chiều chiều ra quán,hehe.

Chính Tư Niệm Thực này là ý chí muốn sống,là động lưc làm quay bánh xe sinh tử,là Nghiệp.Tôi nhớ lại truyện ngắn "Tình Yêu Cuộc Sống "của nhà văn Mỹ Jack London mô tả thật ấn tượng bức tranh lạnh lùng đến kinh khiếp của khát vọng sống :"Một kẻ tìm vàng kiệt sức và một con sói già cũng đang kiệt sức rình rập nhau từng giây phút một cách kiên trì chỉ để giành giật lấy sự sống cho bản thân."

Ngày xưa Đức Phật đã giảng giải Chân Lý này bằng nhiều ví dụ hình ảnh được ghi lại trong các bộ Kinh mà đời sau đã đúc kết để xây dựng nên hệ thống Thập Nhịi Nhân Duyên với hình ảnh bánh xe Luân Hồi và đã trở thành biểu tượng đặc trưng của Triết học Phật Giáo.Ta hãy thử tìm hiểu thế nào là Thập Nhị Nhân Duyên,không chỉ dưới góc độ của Phật Tử mà còn là góc độ của một lữ khách tựa lưng dưới gốc cây bồ đề trước hiên chùa thả hồn theo tiếng chuông chiều lãng đãng.

"Ngày đã trôi qua,chim đã thôi ca hót
Gió đã lặng lờ uể oải dừng cơn.
Xin hãy phủ lên tôi tấm chăn đơn màu tối
Như giấc ngủ đong đưa trái đất trong nôi.

Kìa những bông sen đang dịu dàng khép cánh
Khi bóng chiều đã buông rủ xuống rồi.
Xin đừng để tôi túng nghèo tủi hổ
Túi rỗng không,quần áo bết bụi đường.
Khi vẫn còn chưa dứt cuộc hành hương
Đã tơi tả bởi sức mòn lực kiệt.

Xin hãy làm cho đời tôi thanh khiết
Và tinh khôi như hoa nở giữa đêm."

              R.Tagore -Tâm Tình Hiến Dâng-

Tưởng cũng nên lướt qua khái niệm Duyên Nghiệp một chút trước khi đi sâu vào hệ thống Thập Nhị Nhân Duyên.Hãy giả dụ như bạn đang chơi bi da (môn thể thao quốc tế mà VN được xếp vào loại tầm cỡ đấy nhé,hehe).Bạn thọc một cơ vào trái bi đỏ là bạn đã tạo nên một Nghiệp.Nghiệp là hành động xuất phát từ ý muốn.Trường hợp ở đây là bạn tạo Nghiệp từ ý chí muốn chiến thắng cuộc chơi.Trái bi đỏ chạm vào trái bi trắng là nó đã tạo một Duyên.Trái bi trắng va vào thành bàn dội lại trúng trái bi hai màu là thêm một Duyên nữa.Trái bi hai màu tà tà lăn xuống lỗ là nó đã tạo Duyên cho bạn tiếp tục tác Nghiệp,nghĩa là bạn có quyền đánh tiếp cơ thứ hai.Nếu như nó không xuống lỗ là nó tạo Duyên cho đối thủ của bạn tác Nghiệp.Nếu hai bạn đều chơi fair(chơi đẹp)thì Nghiệp quả(hay Nghiệp báo)là Thiện Nghiệp,có nghĩa là người thắng sẽ rủ người thua cùng uống bia.Còn nếu như một trong hai bạn chơi ăn gian thì Nghiệp quả sẽ là Ác Nghiệp vì sẽ quánh nhau và cả hai thế nào cũng sức đầu mẻ trán,hehe.

Thập Nhị Nhân Duyên là mười hai động lực tương tác nhau,ràng buộc nhau,qui định nhau và tạo điều kiện cho nhau sinh khởi(Duyên Khởi).Chuỗi tương tác này tạo nên một chuyển động có chu kỳ,nên đó là một chuyển động tròn chứ không phải là một chuyển động thẳng.Thế nên nhà Phật mới ví nó như một chiếc bánh xe,và vì tính chu kỳ của nó nen mới gọi đó là bánh xe Luân Hồi.Mười Hai Nhân Duyên nương tựa nhau sinh khởi dưới sự ràng buộc chặc chẽ của bốn nguyên tắc sau :
1.Cái này có thì cái kia có.
2.Cái này sinh thì cái kia sinh.
3.Cái này không có thì cái kia không có.
4.Cái này diệt thì cái kia diệt.

Bốn nguyên tắc trên cũng chi phối toàn bộ cuộc sống của chúng ta đấy thôi.Ta có thể thấy nguyên tắc thứ 1 trong câu"Không có lửa làm sao có khói"(trừ lửa tình,không hề thấy chút khói nào dù nó vẫn cháy rần rật,hehehe.).nguyên tắc thứ 2 trong bài hát Như Cánh Vạc Bay của Trịnh Công Sơn :"Tóc em từng sợi nhỏ,rới xuống đời làm sóng lênh đênh."(May mà tóc em sợi nhỏ đấy,chứ tóc em mà sợi to như cọng bún chắc sóng dập tan nát đời anh Trịnh luôn,hehehe).Nguyên tắc thứ 3 trong câu :"Ngọc bất trác bất thành khí.Nhân bất học bất tri lý."(Nhưng thời buổi này người ta nuôi cấy trai lấy ngọc mà khỏi mài dũa chi hết.Nhiều người ít học nhưng chức to vẫn hét ra lý đấy thôi,hehe).Nguyên tắc thứ 4 trong câu :"Một câu nhịn chín câu lành."Có thể hiểu như"Không sinh sự thì sự không sinh"."(Khoản này được đấy,bỏ một lời chín,dù chưa đủ chục nhưng cũng có thể xem là lời to rồi,hehe.).

Theo Phật học,Mười Hai Nhân Duyên sinh khởi theo trình tự sau :

1.VÔ MINH :

Nếu là Phật Tử,bạn vẫn hiểu Vô Minh như là sự u tối của Tâm năng tri khiến phát sinh ái dục phiền não,là nguồn gốc của Khổ,là chướng ngạị của Trí Huệ.Chấm dứt Vô Minh là chấm dứt sinh tử luân hồi,là giải thoát.
Nhưng ở đây tôi muốn bàn về Vô Minh dưới một góc nhìn khác,xemVô Minh chỉ là một động lưc thuần túy,chưa được phán xét theo quan điểm của luân lý đạo đức qui phạm.Vô Minh mang trong nó hạt nhân của một động lưc dưới hình thái khác,tựa như con nhộng ủ con bướm trong kén của nó.Khi con bướm lột kén bay ra thì nó là :

2.HÀNH :

Là con bướm bay ra từ chiếc kén Vô Minh,nhung"con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.Cánh bướm chập chờn chính là vũ điệu của Vô Minh,khiến cho con bướm phải bay đi tìm hoa hút mật.Điều đó có nghĩa rằng Hành là hóa thân của Vô Minh,là động lực của ý muốn tạo Nghiệp.Hành là Nghiệp lực.Nhưng nghiệp lực đó không phải là mù quáng,vì cánh bướm đã đưa con bướm tìm đến những bông hoa đầy mật ngọt.Thế là Vô Minh đã duyên với Hành mà sinh ra :

3.THỨC :

Thức là cái biết.Trong cái thân Tứ Đại của ta cũng có cái biết,là Uẩn thứ 5 của Ngũ Uẩn (đã bàn ở bài A Na Luật Đà ).Nhưng cái biết cũng hiện hữu khắp nơi như Thầy Nhất Hạnh nói :"Trong gió cũng có cái biết."Loài ong loài kiến biết tổ chức xã hội phân công chặc chẽ.Chim thiên di biết định vị không cần la bàn.Loài dơi biết xử dụng ra đa để bắt mồi.Loài chình điện biết xử dụng súng điện để tự vệ.Các loài hoa biết tạo cho mình những cấu trúc hình học đa dạng và chuẩn xác,v...v...Và con bướm đã biết tìm đến với hoa,thế là Hành đã duyên với Thức để sinh ra :

4.DANH SẮC :

Danh sắc chính là Ngũ Uẩn.Sắc là Uẩn thứ nhất,và Danh là 4 Uẩn còn lại,trong đo có Thức Uẩn.Ta hãy đọc lại đoạn Kinh(trong Kinh Đại Duyên Phương Tiện) mà Đức Phật giảng cho Ngài A Nan thế nào là mối quan hệ hữu cơ (quan hệ hữu cơ là một khái niệm triết học mô tả mối quan hệ hai chiều không thể tách rời ) giữa Thức và Danh Sắc :

"Này A Nan,nhờ duyên vào Thức mới có Danh Sắc,như vậy là có ý nghĩa gì ? Nếu Thức không vào bào thai mẹ thì có Danh Sắc không ?

A Nan thưa :Bạch Thế Tôn,Không.

Nếu khi Thức đã vào rồi mà không sanh ra thì có Danh Sắc không ?

Bạch Thế Tôn,không.

Nếu Thức ra khỏi bào thai mà em bé bị tử vong thì Thức ấy có tăng trưởng không ?

Bạch Thế Tôn,không.

Này A Nan,như vậy nếu không có Thưc thì có Danh Sắc không ?

Bạch Thế Tôn,không.

Này A Nan,ta vì lý do này nên biết Da nh Sắc là do Thức,cho nên mới nói duyên với Thức mà có Danh Sắc.Đây chính là vấn đề mà ta muốn nói.

Này A Nan,do duyên Danh sắc mà có Thức là như thế nào ?Nếu Thức không tồn tại trong Danh Sắc thì Thức không có chỗ trú.Nếu Thức không có chỗ trú thì há có thể có sanh già bệnh chết sầu bi khổ não chăng ?

Bạch Thế Tôn,không.

Này A Nan,như vậy nếu không có Danh Sắc há có thể có Thức chăng ?

Bạch Thế Tôn,không.

Ta vì lý do này mà biết được Thức do Danh sắc mà có,vì vậy nên nói duyên Danh Sắc mà có Thức.Đây chính là vấn đề mà ta muốn nói."

Do Thức mà có Danh Sắc cũng như do Danh Sắc mà có Thức, nghĩa là Thức duyên Danh sắc (hoặc Danh Sắc duyên Thức ) sinh ra :

5.LỤC NHẬP :

Là sáu quan năng nhận thức : mắt tai mũi lưỡi thân ý để phản ánh sáu đối tượng tương ứng là hình thể âm thanh mùi vị trạng thái vật chất và những khái niệm.Vì có Danh Sắc mà có Lục nhập ( hoặc do Lục Nhập mà có Danh Sắc ,cũng giống như vì có nhộng nên có bướn và do bướm mà có nhộng.Triết học Phật Giáo là triết học Nhân Quả tương duyên tương sinh,tương tức tương nhập.Ta hãy nhớ đây là tư tưởng cốt lõi xuyên suốt cả bề dày của nền triết học Phật Giáo ),vì thế Danh Sắc duyên Lục Nhập sinh ra :

6.XÚC :

Là cảm giác,như đã bàn ở phần Ngũ Uẩn.Danh Sắc duyên Xúc sinh ra :

7.THỌ :

Là tri giác,như đã bàn ở phần Ngũ Uẩn.Xúc duyên Thọ sinh ra :

8.ÁI :

Đúc Phật dạy :"Ái là Tập Đế".Tập Đế la Chân Lý thứ 2 trong Tứ Diệu Đé,là Chân Lý về cội nguồn của cái khổ do 3 thứ ái  là ái dục,ái hữu và ái diệt (đả bàn ở mục "tư niệm thực" ).Thọ duyên Ái sinh ra :

9.THỦ :

Là giữ lấy.Ngôn ngữ Phật Giáo hay gọi là"chấp thủ"hoặc "chấp trước".Thường người ta say mê một cái gì đó thì người ta phải đeo đuổi nó,trói buộc vào nó và tập thành một thói quen cho cả thân tâm mà người ta chỉ ý thức được phần nhỏ,còn đa phần thì chìm sâu vào tiềm thưc (đây là tập khí sẽ tạo ra nghiệp chướng.Ta sẽ bàn nhiều ở bài khác nói về tác dụng của tu Thiền đối với các loại bệnh tâm thần ).Có thể khái quát Thủ thành 4 loại : 1. Dục thủ (quen với những lạc thú thông thường như tứ khoái ăn ngủ....).2.Kiến thủ (say mê những ý tưởng,kiến thức,lý tưởng,niềm tin đến nỗi kiên quyết bảo vệ nó chống lại tất cả những gì trái nghịch với nó,vì vậy Einstein mới nói :"Đập vỡ một hạt nhân nguyên tử dễ hơn phá bỏ một định kiến." .3.Giới cấm thủ (những định kiến về qui tắc,luật lệ ).4. Ngã luận thủ (còn gọi là ngã chấp,tin tưởng và bênh vực cho cái "tôi"của mình).
Ái duyên Thủ sinh ra :

10.HỮU :

Là có,là sở hữu và cũng là hiện hữu.Đây là một tổng thể của Ái,của Thủ.Từ say mê đến giữ chặc sẽ biến nó  thành một hiện thể với dầy đủ tính chất riêng của nó như là một nghiệp báo của Hành,của nghiệp lực.Thế nên Thủ duyên Hữu tạo ra :

11.SANH ::

Là xuất hiện dưới một hình hài mới như con bướm bay ra từ kén nhộng.Nhộng là bướm chưa thành.Sâu là nhộng chưa thành.Trứng là sâu chưa thành.Giữa trứng bướm và bướm có một mối quan hệ hữu cơ nhất định,chưa kể đến những mối quan hệ hữu cơ xa hơn với bướm như hoa,lá,nắng mưa,như đất với các quần thể vi sinh vật...v...v...Không có một sự sanh ra từ một cái gì trống rỗng hoặc đơn lẽ.Có thể nói Sanh là nghiệp báo của bao nhiêu là nghiệp lực.Vì thế nên Hữu duyên Sanh mà có :

12.LÃO TỬ :

Là già rồi chết như là hậu quả tất nhiên của Sanh.Đây là giai đoạn chót của tiến trình mười hai nhân duyên,nhưng không có nghĩa là kết thúc,vì bánh xe Luân Hồi vẫn tiếp tục quay như là một động cơ vĩnh cửu.

Đối với Phật Tử theo nhiều truyền thống Phật Giáo thì Mười Hai Nhân Duyên được hiểu và tin tưởng như là qui luật của một tiến trình mà trong đó cá thể phải trầm luân qua nhiều kiếp đầu thai dưới nhiều hình thái của các loài sinh vật khác nhau do tác nghiệp của mình trong một thế giới vô minh được xem là bể khổ.Muốn thoát ly ra khỏi bể khổ đó thì phải quay ngược bánh xe theo nguyên tắc cái này diệt thì cái kia diệt để cuối cùng chấm dứt Vô Mình và sẽ được giải thoát ra khỏi vòng quay sinh tử luân hồi.Muốn quay ngược bánh xe thì phải tu nhân tích đức(tạo Thiện Nghiệp)qua nhiều đời hoặc phải xuất gia cầu Đạo.

Tất cả mọi truyền thống Tôn Giáo đều tốt đẹp vì nhờ đó mà nhân loại mới có một bề dày văn hóa đa dạng và một nền văn minh rực rỡ như ngày nay.Tôn Giáo nào cũng nhằm mục đích giãi quyết hạnh phúc cho con người từ bình diện cá nhân đến xã hội.Khi nào còn con người,còn xã hội là vẵn còn khát khao hạnh phúc và tôn giáo vẫn còn là một chiếc phao cứu sinh bập bênh trên biển giữa những loại phao cứu sinh khác.Điều đó nói lên nỗi thống khổ của con người cũng mênh mông như biển cả,dù có bốc hơi đến bao nhiêu đòi thì cũng sẽ chẳng bao giờ là biển cạn.Thế thì chuyện cứu khổ cứu nạn có phải là chuyện rõ"lo bò trắng răng "không ? Hehehehe.

Chiến tranh,đói kém,bệnh tật ,dốt nát được xem như 4 kẻ thù chính của hạnh phúc nhân loại.Nhưng người ta tiếp tục gây chiến tranh vì lý tưởng hòa bình.Người ta tiếp tục gây đói kém vì phát triển kinh tế.Người ta tiếp tục nuôi dưỡng bệnh tật vì bảo vệ sức khỏe.Người ta tiếp tục duy trì dốt nát bằng tìm kiếm tri thức.Ta có thể tự hỏi tại sao 4 nguyên tắc chi phối quá trình duyên khởi không còn đúng ở đây.Đáng lẽ lý tưởng hòa bình phải sinh ra hòa bình,phát triển kinh tế phải sinh ra thịnh vượng.Nhưng thực tế luôn ngược lại ! Vì sao ?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta hãy quay trở lại với nhộng và bướm.Khi con bướm bay ra từ cái kén nhộng thì con nhộng không còn nữa.Khi một trái cây chín mọng lìa cành hiến mình cho đất thì một chồi cây non mới vươn mình thức dậy.Nhân quả là một quá trình duyên khởi (cái này sinh thì cái kia sinh,cái này diệt thì cá kia diệt),nhưng bản chất là tương nhập (trong nhân có quả,trong quả có nhân ).Vì thế nên trong tiến trình duyên khởi,mọi hình thái khác nhau mà ta phân biệt trong nhận thức chỉ là những hình thức hoán chuyển của cùng một bản chất.Điều đó có nghĩa là 4 nguyên tắc vẫn đúng ở đây, chỉ có chúng ta sai lầm vì phân biệt hai mặt đối lập của cùng một bản chất.Thế thì bản chất đó là gì ? Ta hãy cùng giở Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh :

"Xá Lợi Tử !
Thị chư Pháp KHÔNG TƯỚNG.
Bất sinh.Bất diệt.
Bất cấu.Bất tịnh.
Bất tăng.Bất giảm."

Tạm dịch :"Hỡi người con dòng Xá Lợi.Hãy nhìn thấy mọi Pháp là không có hình tướng..Không sanh,không diệt.Không dơ không sạch.Không tăng không giảm."

Ở đây ta cần bàn thêm về từ PHÁP.Từ Pháp trong triết học Phật Giáo là một khái niệm vô cùng rộng về sự vật.Nó không chỉ riêng những sự vật bị qui định,có điều kiện mà còn chỉ tất cả những sự vật vượt ra ngoài giới hạn đó.Trong Kinh Pháp Cú chương 20 có 3 câu thơ quan trọng sau đây :

1.Mọi sự vật bị giới hạn đều là VÔ THƯỜNG.
2.Mọi sự vật bị giới hạn đều là KHỔ.
3.Mọi Pháp đều là VÔ NGÃ.

Ta hãy để ý ở 2 câu đầu dùng từ"sự vật"để chỉ ra những cái bị qui định,bị giới hạn trong những điều kiện ràng buộc nhau như Ngũ uẩn,như lục căn lục cảnh.Nhưng trong câu thứ 3 lại dùng từ Pháp là khái niệm chỉ ra rằng tất cả những sự vật có điều kiện và bị giớ hạn dều mang theo trong nó tính không điều kiện và vô hạn,tựa như những con sóng biển luôn mang theo trong nó nước của đại dương.

Thế là đã rõ tại sao nhìn thấy mọi Pháp là không hình tướng..Tất cả những gì gọi là hình tướng đều là những giới hạn,những qui định,những ảo tưởng của nhận thức mà do Ái Thủ Hữu nên ta không giác ngộ được TÁNH KHÔNG của vạn Pháp.Nếu ngộ được Tánh Không của vạn Pháp thì rõ ràng sống chết chỉ là một,sạch dơ là vô nghĩa,và biến dịch chỉ là vận động bảo toàn.

Bản tính con người là tham sống sợ chết,trọng sạch khinh dơ,ham nhiều chê ít.Con người tranh thủ hạnh phúc cho mình bằng cách đeo đuổi xu hướng một chiều do nhận thức phân biệt của mình nên vì thế mà cứ trầm luân trong bể khổ.Ta hãy cùng giở Kinh Pháp cú ở chương đầu :

"Ngươi là kết quả của tất cả những gì ngươi suy nghĩ.Kết quả ấy dựa trên nền tảng của tư tưởng ngươi và xây dựng nên tư tưởng ngươi.

Nếu hành động và lời nói của một người xuất phát từ những ý nghĩ ác,đau khổ sẽ bám theo hắn như chiếc bánh xe bò lăn theo dấu chân bò.

Ngươi là kết quả của tất cả những gì ngươi suy nghĩ.Kết quả ấy dựa trên nền tảng của tư tưởng ngươi và xây dựng nên tư tưởng ngươi.

Nếu lời nói và hành động của một người xuất phát từ những ý nghĩ trong sạch,hạnh phúc sẽ theo hắn như bóng với hình."

Tưởng cần phải chú thích một chút về chữ "ác"và "trong sạch".Theo Bát Chánh Đạo thì "ác"là bất thiện,là không phù hợp Chân Lý."Trong sạch"là Chánh Kiến Chánh Tư Duy Chánh Niệm.

Thế là đã rõ,chỉ có giác ngộ được TÁNH KHÔNG thì mới mong "Viễn ly điên đảo mộng tưởng,cứu cánh Niết Bàn" (Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh ).

Hãy"nhìn một lần cho rõ mặt oan khiên".Hãy nhìn vào chính bản tâm của mình để rồi bỗng thấy một biển trời phong ba lồng lộng,đến nỗi phải cầu cứu Tổ Sư Bồ Đề :

"Bạch Thầy,Tãm con bất an,cầu xin Thầy an giúp."

Tổ Sư đáp :

"Đem Tâm ngươi ra đây ta an cho."

"Bạch Thầy,con đã tìm Tâm mà chẳng thấy !"

Tổ Sư nói :

"Đấy,ta đã an cho ngươi rồi đấy."

Ước gì có một đỉnh núi (không có Everest thì Lang Bian cũng tạm tạm,hehe) để chúng ta trèo lên mà cùng nhau :

"Nhất khiếu trường không hàn Thái Hư"
(Hú một hơi dài làm lạnh cả Hư Không.)

                    DALAT 24-05-09

                             -000-


                             VỀ QUÊ

Ta về trên đỉnh mây cao
Tìm trong trời rộng nẻo vào cô đơn
Giã từ em
Những lối mòn
Vườn xưa phố cũ hãy còn nắng mưa.

Ta về lại chốn xa xưa
Thủa quanh năm chỉ một mùa khói sương
Ta về đây
Giữa đêm trường
Nhặt cành hoa trắng bên đường Vô Biên.

                      VÕ CHÍ HIỀN.     DALAT -1998-

                                    -000-

1 nhận xét:

  1. Em thích bài này. Em đang đọc nhưng không thể đọc hết 1 lúc được!

    Trả lờiXóa