Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

DỊCH


 









 .










 












Sự đổi thay dường như là quy luật tất yếu của tự nhiên mà không ai trong chúng ta không cảm nhận.

Trong phạm vi con người và xã hội thì ta dễ cảm nhận được sự đổi thay.Nhưng khi ngắm nhìn non sông cẩm tú hoặc bầu trời đầy sao kỳ vĩ,ta lại có cảm giác như có một cái gì đó vĩnh hằng.Rồi đến khi giở những trang sách địa chất và thiên văn ra,cảm giác về sự vĩnh hằng đó lại tan biến như một làn mây mỏng giữa bầu trời bao la !

Sự đổi thay tựa như những làn sóng nhấp nhô trùng trùng điệp điệp,làm thế nào lần ra được đầu mối để nắm được quiy luật của nó ? Có lẽ đó là một khát vọng  cơ bản đeo đuổi con người từ ngàn xưa,đã đặt nền móng cho sự phát triển của Dịch học phương đông và khoa học phương tây.Viên đá nền tảng ấy chính là khái niệm nhị nguyên tương tác ( Hai thế lực đối lập,luôn luôn đối kháng nhau gây nên biến đổi ).

Núi sông nên thơ hữu tình khiến nhà thơ phải bồi hồi ngâm vịnh,họa sĩ phải phóng bút họa tranh.Nhưng triết gia lại nhìn thấy núi thì tĩnh tại,sông thì chuyển động không ngừng.Sông chảy quanh co thành một dòng liên tục.Những ngọn núi lặng yên tách biệt nhau bởi những thung lũng xanh dờn.Sông phải chảy để núi luôn là núi.Núi phải lặng yên để sông chính là sông.

Qua hình ảnh của núi sông,triết gia nhìn thấy từ bản thân mình đến thế giới quanh mình,đâu đâu cũng hiển hiện chuyển động và tĩnh tại,từ hơi thở vào ra,thức ngủ,làm việc và nghỉ ngơi,gió mây mưa nắng nóng lạnh bốn mùa...Chuyển động xảy ra như một dòng liên tục.Tĩnh tại hiển hiện như sự bất liên tục của chuyển động.Hai yếu tố này xem ra dường như đối lập nhau,nhưng chúng tạo điều kiện cho nhau sinh khởi,không thể thiếu nhau và dường như hòa quyện lẫn trong nhau.Chúng tiềm ẩn và hiển hiện trong khắp mọi sự vật như một thuôc tính của hiện hữu.

Nói sao đây để diễn đạt cái tri kiến trùng trùng điệp điệp ấy ! Làm thơ chăng ? Ngôn ngữ thông thường quả là bất lực,mỗi một lời đều có thể hiểu theo năm  bảy cách khác nhau,rất mơ hồ và không chuẩn xác ! Để diễn đạt được sự phong phú của tư tưởng và những cảm nghiệm sâu xa của kinh nghiệm cần phải có một hình thức ngôn ngữ với những biểu tương trừu tượng có tính khái quát rộng hơn ( như ngôn ngữ toán học hiện nay chẳng hạn,ví dụ như hệ nhị phân được ứng dụng trong ngôn ngữ tin học chỉ xử dụng hai con số : 1 và 0 mà trong máy tính có nghĩa là điện được nối hay điện bị ngắt ).Thế là triết gia phóng bút vẽ chuyển động như một vạch liền ( __ ) và tĩnh tại như một vạch đứt ( _ _ ).Họ gọi vạch liền là Dương và vạch đứt là Âm.

Có lẽ như lão Tử nói :"Đạo mà có thể gọi được thì không phải là cái Đạo thường hằng.Tên mà có thể gọi được không phải là cái tên vĩnh cửu "( Đạo khả đạo,phi thường đạo.Danh khả danh,phi thường danh./Lão Tử đạo Đức kinh,chương 1/),cho nên khái niệm Âm Dương chỉ là tương đối,cái ảo diệu của nó hoàn toàn được mã hóa bằng 2 biểu tượng ( __ ) và ( _ _ ).

Yếu tố tĩnh như một hạt mầm tiềm ẩn trong yếu tố động để biến động thành tĩnh ( __ có thể đứt ra thành _ _ ) ,và ngược lại cũng thế ( _ _ có thể nối lại thành __ ).Điều này nói lên một sự thật là không có bất kỳ một yếu tố nào là thuần nhất,đơn lẻ trong tự nhiên.Mỗi một yếu tố,dù được khái quát hóa tới mức đơn giản nhất,đều là một yếu tố kết hợp có động tính.Ví dụ như trong ngành vật lý hạt nhân,các nhà khoa học đều nhất trí rằng sự xuất hiện của một vi tử ( Particle : Hạt cơ bản ) phụ thuộc vào sự biến đổi qua lại của các vi tử khác.Đã từng có một số nhà khoa học giả định rằng có một loại vi tử họ đặt tên là Quac ( lấy cảm hứng từ một chuyện thần thoại ),là hạt cơ bản,nhưng cần phải có 3 Quac để hợp thành một vi tử.( Có sự tương đồng ý tưởng nào chăng với câu nói của Lão Tử : "Một sinh hai.Hai sinh ba.ba sinh vạn vật." )

Có lẽ người xưa đã biết không một yếu tố nào là thuần nhất đơn lẻ ,vì biến dịch xảy ra do các yếu tố đối lập luôn kết hợp và đối kháng nhau.Truyền thống tư duy của người phương đông thiên về trực giác hơn là luận lý.Qua nhiều đời quan sát và tư duy,họ cảm nghiệm được sự biến dịch của vạn vật dựa trên 2 yếu tố đối lập cơ bản xảy ra liên miên bất tuyệt tựa như một vòng tròn khép kín không có khởi điểm và chung cuộc.Không thể nào dùng lời nói để diễn giải kinh nghiệm ảo diệu này,người xưa đã mượn biểu tượng Âm ( _ _ ) Dương ( __ ) như một ngôn ngữ thiện xảo để lập nên tấm bản đồ về thực tại mà họ đã chiêm nghiệm được.

Để xây dựng nền tảng cho tấm bản đồ này,trước hết họ chồng 2 vạch giống nhau lên nhau ( = : Thái Dương.Hoặc == : Thái Âm) chúng sẽ loại trừ nhau để còn lại một liền và một đứt ( Thiếu Dương và Thiếu Âm,xin xem hình trên đầu bài ).Một liền một đứt cũng không hề yên vị,chúng thu hút nhau,hoán chuyển nhau tạo thành một chu trình khép kín không có khởi điểm và chung cuộc  : Từ Thái Dương đứt 1 dương thành Thiếu Dương.Từ Thiếu Dương đứt hết Dương thành Thái Âm.Từ Thái Âm nối một Dương thành Thiếu Âm.Từ Thiếu Âm nối 2 Dương lại quay về Thái Dương,rồi cứ thế mà tiếp diễn mãi...

Thế là từ Lưỡng Nghi ( Âm,Dương ) họ lập nênTứ Tượng ( Bốn biểu tượng có tính khái quát rất rộng : Thái Dương,Thiếu Dương,Thái Âm,Thiếu Âm )để mô tả yếu tính của một vũ trụ sinh động và nhất quán.

Một vũ trụ như thế chẳng ở đâu xa xôi,nó hiện hữu ở ngay trong chính mỗi con người.Nó là một bí ẩn diệu kỳ mà mỗi người chúng ta đều mang theo từ ngàn xưa.Nó được gọi là Thiên mệnh mà con người luôn mong muốn khám phá.Người xưa đã biết nhìn mây để dự đoán gió mưa,biết nhìn hành vi bất thường của các loài vật để dự đoán thiên tai.Đối với họ mỗi biểu tượng trong tự nhiên đều có ý nghĩa riêng của nó,hiểu được ý nghĩa ấy là hiểu được mênh trời.Những biểu tượng của tự nhiên gần gũi với cuộc sống của con người là đất,là trời,là nước,là lửa,là gió,là sấm chớp,là núi non,là ao đầm.Sự biến dịch của tứ tượng hàm tàng trong những biểu tượng ấy và trong khát vọng của con người như một thực tại sinh động.

Họ đã có trong tay cơ sở của tấm bản đồ thực tại là tứ tượng nên họ xây dựng tiếp bằng cách đem 4 vạch Dương chồng lên tứ tượng,rồi tiếp đến là 4 vạch âm,thế là họ lập nên 8 quẻ ( Bát Quái.Mỗi quẻ là một tổ hợp của 3 vạch âm dương.Có lẽ là "Nhất sinh nhị.Nhị sinh tam.Tam sinh vạn vật " chăng ? ) :

1. Càn ( Cứng cáp,mạnh mẽ.Càn vi Thiên,biểu tượng cho trời ).Xin xem hình thứ 8 ( Heaven ) theo hàng ngang từ trên xuống,hàng thứ 2 ở hình 8 quẻ trên đầu bài.

2.Khôn ( Nhu thuận.Khôn vi Địa,biểu tượng cho đất ).Hình thứ 1 ( Earth ) hàng thứ 1.

3.Li ( Sáng rỡ.Li vi Hỏa,biểu tượng cho lửa ).Xem hình thứ 6 ( Fire ) hàng thứ 2.

4.Khảm ( Hiểm trở.Khảm vi Thủy,biếu tượng cho nước ).Hình thứ 3 ( Water ) hàng thứ 1.

5.Cấn ( Yên tĩnh.Cấn vi Sơn,biểu tượng cho núi ).Hình thứ 2 ( Mountain ) hàng thứ 1.

6.Đoài ( Vui vẻ.Đoài vi Trạch,biểu tượng cho ao đầm ).Hình thứ 7 ( Lake ) hàng thứ 2.

7.Tốn ( Ùa vào.Tốn vi phong,biểu tượng cho gió ).Hình thứ 4 ( Wind ) hàng thứ 1.

8.Chấn ( Biến động.Chấn vi Lôi,biểu tượng cho sấm sét ).Hình thứ 5 ( Thunder ) hàng thứ 2.

Trong lịch sử văn minh nhân loại,người ta nhận thấy có 2 xu hướng phát triển : thuần lý và ứng dụng.Nhu cầu hiểu biết khiến các nhà tư tưởng đắm chìm trong chiêm nghiệm để khám phá chân lý.Nhu cầu thực tiễn khiến các nhà ứng dụng tìm cách vận dụng lý thuyết vào thực tế.Hai xu hướng này dường như phát triển song hành và hỗ trợ lẫn nhau,từ tôn giáo đến triết học và khoa học.

Có lẽ  tình hình đã xảy ra như thế đối với kinh Dịch khi các nhà sử học tìm thấy bằng chứng rằng người Trung Quốc cổ đại đã dùng Bát Quái trong phép bói cỏ thi vào cuối đời nhà Thương ( Ân ) đầu đời nhà Chu ( khoảng 1130 năm trước Công nguyên ).Sự vận dụng Bát Quái vào phép bói cỏ thi đạt được nhiều ưu điểm hơn phép bói bằng yếm rùa cổ xưa,từ phương pháp giản dị hơn đến hiệu quả chính xác hơn.

Những thuật bói toán khác nhau tồn tại trong truyền thống của tất cả mọi dân tộc trên thế giới từ ngàn xưa cho đến bây giờ.Điều đó nói lên khát vọng an toàn trong cuộc sống đầy bất trắc của con người là một nhu cầu chính đáng.Họ muốn biết trước vận mệnh của mình,một là để an tâm với những điều lành,hai là để có hy vọng tránh được điều dữ.

Đối với đa số trong giới có học thức tôn sùng khoa học hiện nay thì họ cho rằng bói toán là thói mê tín dị đoan của hạng bình dân.Nhưng đối với một số nhà khoa học có tầm cỡ của thế giới như nhà phân tâm học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung (1875-1961) thì ông nhìn bói toán từ một góc độ khác,có lẽ phù hợp với góc độ của cổ nhân đã từng sáng tạo ra ngôn ngữ biểu tượng của kinh Dịch.

Carl Jung là nhà phân tâm học nên ông rất quan tâm tới những biểu tượng của giấc mơ để khám phá thế giới tiềm thức của con người.Những hình ảnh của giấc mơ là phù phiếm và vô bổ trong nhãn giới của các nhà khoa học khác,nhưng đối với Jung chúng có một ý nghĩa rất đặc biệt.Trong tác phẩm Thăm Dò Tiềm Thức (Essai d'exploration de l'inconscient),ông giả định về sự tồn tại của cái gọi là "Tiềm Thức Tập Thể ".Ý tưởng này là chìa khóa giúp ông có thể giải mã được những hiện tượng mà người ta cho là mê tín dị đoan như bói toán và đồng bóng,bởi ông đã gặt hái được nhiều kinh nghiệm thực tế khi ông chu du khắp thế giới để thâm nhập vào các nền văn hóa cổ sơ của những dân tộc khác nhau,từ Phi Châu đến Ấn Độ và Trung Hoa.Chính ông là người viết lời bạt nổi tiếng cho dịch phẩm kinh Dịch đầu tiên từ tiếng Hoa ra tiếng Đức của học giả Richard Wilhelm.Ông đã nhìn ra những sợi tơ nhện dính mắc giữa ngôn ngữ biểu tượng của kinh Dịch với ngôn ngữ biểu tượng của giấc mơ nên đã có ý tưởng ứng dụng kinh Dịch vào việc khám phá thế giới bí ẩn của tiềm thức.

Ở chương "quá khứ và tương lai của tiềm thức" trong tác phẩm thăm dò tiềm thức,ông viết :"Tiềm thức không phải chỉ là cái kho chứa quá khứ của ta mà còn đầy dẫy những trạng thái tâm thần và ý tưởng sắp xảy đến...Những ý đó hiển lộ từ vực sâu tối thẳm của tâm hồn tựa như một bông sen..."

Như ta đã biết,nội dung chính yếu của Bát Quái là sự biến dịch bởi lưỡng nghi tương tác :"Cùng tắc biến.Biến tắc thông."Nhưng thông rồi không phải là hết.Quẻ 63 của kinh Dịch là quẻ Thủy Hỏa Kí Tế,nghĩa là đã xong.Nhưng quẻ 64 là quẻ Hỏa Thủy Vị Tế,nghĩa là chưa xong.Thế có nghĩa là thông rồi lại bế,lại cùng để rồi lại biến.

Với nội dung của một triết lý động như thế thì kinh Dịch không thể chấp nhận một dạng định mệnh tiền định cứng ngắt.Thế thì tại sao xem bói lại thấy đúng.Đến đây ta sẽ nhận ra mối tương quan giữa tiềm thức và nội hàm của Bát Quái.Qua nhận xét của Jung về quá khứ và tương lai của tiềm thức,ta thấy tiềm thức là một quá trình động chẳng khác gì Tứ Tượng.Những khát vọng của con người ẩn sâu trong tiềm thức luôn đùn đẩy nhau để ngoi lên bề mặt của ý thức như một cuộc biến thông đầy sáng tạo mà quá khứ và tương lại không còn phân biệt.Định mệnh của con người chính là kết quả của công cuộc sáng tạo đó.Nó không phụ thuộc chỉ riêng vào cá nhân,mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội và tự nhiên khác.kinh Dịch đã mã hóa tất cả các mối tương quan đó trong 64 quẻ,mà khát vọng an toàn và hạnh phúc của con người là một phần trong đó ( được giảng giải chính yếu bởi Thoán Truyện và Tượng truyện ),nên khi xem bói ý thức của ta tác động đến những khát vọng thầm kín của tiềm thức và ta nhận ra được cái định mệnh sáng tạo của chính mình.

Với nội dung hạn hẹp của entry này tôi không thể trình bày tất cả 64 quẻ của kinh Dịch.Các bạn nào muốn đi sâu vào lãnh vực Dịch học có thể tham khảo kinh Dịch,bản dịch của Ngô Tất Tố,của Phan Bội Châu,Dịch Học Tinh Hoa của nguyễn Duy Cần và Kinh Dịch,Đạo Của Người Quân Tử của Nguyễn Hiến Lê. Tôi chỉ có thể nói vắn tắt rằng sự xuất hiện của 64 quẻ là do cổ nhân đã lần lượt chồng 8 quẻ của Bát Quái lên nhau,gọi là trùng quái.Thế là họ đã có được một bản đồ chi tiết về thực tại mà từ đó họ có thể diễn giải nhân sinh quan,vũ trụ quan của mình,tựa như một nhà khoa học diễn giải mô hình toán học của một lý thuyết khoa học bằng ngôn ngữ phổ thông.

Thông qua kinh Dịch ta có thể ngộ ra lẽ biến hóa của trời đất  cũng như trong chính bản thân ta để lựa chọn một khuynh hướng hành xử thích hợp trong đời.

Có lẽ Lão Tử đã ngộ ra chân lý ấy nên đã hành xử theo đạo vô vi.

Có lẽ Carl Jung đã ngộ ra chân lý ấy nên đã đi tìm cái "mịt mịt" ( tiềm thức ) thay vì cái "minh minh" ( ý thức ).

Có lẽ kahlil Gibran đã ngộ ra chân lý ấy nên đã viết: "Thấu hiểu ngôn từ là im bặt trong lòng.
Là buông xả theo dòng vô ngôn lặng lẽ..."

                        
                         YÊN HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét