Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

A NA LUẬT ĐÀ




Đại Đức A Na luật Đà là một Hiền Sĩ cùng thời với Đức Phật ,cư trú trong một tịnh cốc gần thành phố Tỳ Xá Lỵ,không xa nơi Đức Phật đang ở là tu viện Trùng Các trong rừng Đại Lâm.

Tôi tóm lược câu chuyện sau đây từ Kinh Samyutta Nikaya.22.6,bản dịch của Thầy Thích Nhất Hạnh.

Đại Đức A Na Luật Đà thường được nghe Đức Phật Thích Ca thuyết giảng Chân Lý ,và nổi tiếng là một Hiền Sĩ rất am tường những  Chân lý ấy.Thế nên một hôm có một số tu sĩ Bà La Môn tìm đến ông để chất vấn như sau :

"Đức Như Lai đã giải quyết thế nào về nội dung của bốn mệnh đề sau đây :
1.Sau khi chết,Đúc Như Lai vẫn còn.
2.Sau khi chết,Đức Như Lai không còn.
3.Sau khi chết,Đức Như Lai vừa còn vừa không còn.
4.Sau khi chết,Đức Như Lai vừa không còn,vừa không không còn."

Đại Đức A Na Luật Đà chưa bao giờ nghe Phật giảng về những nội dung đó nên ông phải tìm tới Đức Phật để xin được chỉ giáo.Đức Phật hỏi  :

"Này Đại Đức A Na Luật Đà,thầy nghĩ sao,có thể tìm thấy Như Lai nơi Sắc uẩn không ?"

A Na Luật Đà đáp :"Bạch Thế Tôn,không."

"Có thể tìm Như Lai ngoài Sắc uẩn không ?"

"Bạch Thế Tôn,không."

"Có thể tìm  thây Như Lai trong các uẩn Thọ Tưởng Hành Thức không ?"

"Bạch Thế Tôn,không."

"Có thể tìm thấy Như Lai ngoài các uẩn Thọ Tưởng Hành Thức không ?"

"Bạch Thế Tôn,không."

"Này Đại Đức A Na Luật Đà,thầy có nghĩ rằng Như Lai là một cái gì vượt ra khỏi ngụ uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức không ?"

"Bạch Thế Tôn,không."

"Này,A Na Luật Đà,đi tìm Như Lai ngay trong khi Như Lai đang sống mà còn không tìm ra thì thử hỏi đi tìm Như Lai sau khi chết trong khuôn khổ bốn mệnh đề còn,không còn,vừa còn vừa không còn,vừa không còn vừa không không còn,đó có phải là một chuyện có thể làm được hay không ?"

"Bạch Thế Tôn,không."

"Tốt lắm,thầy A Na Luật Đà ! Từ trước đến nay,Như Lai chỉ giảng dạy về KHỔ và con đường DIỆT KHỔ."

                                -000-

Bạn không phải là Như Lai,nhưng theo lời dạy của Ngài,bạn cũng có thể tự hỏi mình;"Tôi là ai ,có thể tìm thấy tôi qua Sắc uẩn không ?"(Uẩn là một tổ hợp,Sắc là thế giới vật chất được nhận thức bằng ngũ quan : mắt,tai,mũi,lưỡi,thân,với 5 đối tượng tương ứng là : hình dạng,âm thanh,mùi ,vị,nhiệt độ và trạng thái.Đây là những yếu tố chủ quan trong nhận thức vật chất giới,còn yếu tố khách quan của vật chất giới là Tứ Đại : Đất,Nước,Gió,Lửa, là 4 yếu tố cấu thành).Nếu tôi  là một thân xác thì thân tôi đây chỉ là một tổ hợp của đất khi bồi khi lở,của nước lúc đầy lúc vơi,của gió lúc khoan lúc nhặt,của lửa khi cháy khi tàn..,Tứ Đại không ngừng thay đổi tùy thuộc tác động của những nhân tố cũng thay đổi không ngừng,cho nên có thể nói Tứ Đại vô thường bởi trùng trùng duyên khởi.Hơn nữa,nhận thức của cái thân Tứ Đại ấy là những cảm nhận đầy khuyết tật của ngũ quan(như 4 anh mù sờ voi,hehe).Thế thì thân xác này tuy có đó mà dường như không có đó( Tiền như không mà có,tiền mà có cũng như không,hehe),thế nên mới có câu Kinh Bát Nhã :"Sắc tức thị Không".

Bây giờ bạn có thể kết luận :"Không thể tìm thấy tôi qua Sắc uẩn,vì Sắc tức thị Không."(Nhưng bạn nào hay trốn vợ đi chơi thì hãy coi chừng,đừng tưởng thân này đang tàng hình thì vợ không tìm ra đâu nhé,hehehe).

Rồi bạn lại tự hỏi tiếp :"Tôi là ai,có thể tìm thấy tôi ngoài Sắc uẩn không ?"
Bạn không chỉ là một thân xác,bạn còn là một tinh thần.Tinh thần bạn là những suy nghĩ,những tư tưởng,những khoái lạc,những khổ đau,những đam mê,những khát vọng,những hoài niệm,những ước mơ, tình yêu và thù hân,ích kỷ và vị tha...Tất cả những thứ thứ ấy là một bầy chim đang làm tổ nơi cái thân Tứ Đại của bạn.Đất lành chim đậu( nhưng đất dữ cũng chớ nhậu chim,vì nhà nước đang bảo vệ động vật hoang dã,nhậu chim là phạm pháp,tui kiu cảnh sát mối trường bắt nhốt à nhen,hehehe).Không có đất lành thì tìm chim ở đâu,thật là"tìm em như thể tìm chim..."

Và bạn có thể kết luận :"Không thể tìm thấy tôi ngoài Sắc uẩn".Mà Sắc tức thị Không,thế thì tôi khác nào gió  đông thổi vào nhà trống.(Bạn có thể hiểu rõ điều này nếu bạn đang nuôi dạy con cái,bạn giảng đạo đức cho chúng liên miên nhưng bạn cũng phải phát điên khi nhìn chúng hành xử,hehehe).

Xin bạn tiếp tục hỏi :"Tôi là ai,có thể tìm tôi nơi Thọ,Tưởng,Hành,Thức không ?"

Con người ta là một chỉnh thể thống nhất của thể xác và tinh thàn.Chỉnh thể đó được Đức Phật mô tả bằng khái niệm NGŨ UẨN.Ngũ uẩn là một tổ hợp thống nhất của 5 tổ hợp : Sắc,Thọ,Tưởng,Hành,Thức.Sắc uẩn đã nói rồi.Bây giờ đến Thọ uẩn.Thọ có nghĩa là nhận lãnh,ví dụ ai đó phạm pháp thì sẽ bị thọ án,bạn lên chùa ăn cơm trưa là bạn thọ trai(nhưng ở chốn ăn chơi người ta không gọi là thọ gái đâu nhé,hehe).Tổ hợp của Thọ bao gồm 6 quan năng : Mắt,tai mũi,lưỡi,thân,ý(nhãn,nhĩ,tỉ,thiệt,thân,ý,cần nói thêm về ý là một quan năng có cơ sở vật chất là những tế bào thần kinh họp lại thành bộ nhớ vi xử lý)tương ứng với 6 đối tương của nó là : hình dáng,âm thanh,mùi,vị,trạng thái và nhiệt độ của vật chất,biểu tượng và khái niệm(sắc,thanh,hương,vị,xúc,pháp).Sáu quan năng này khi hoạt động sẽ phát sinh cảm giác(những cảm giác về hình dáng,màu sắc,âm thanh,mùi vị...),đó là Thọ,cảm giác ở dạng thô.

Tiếp đến là Tưởng uẩn.Cũng như Thọ uẩn,cơ sở của tổ hợp này là 6 căn(nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý)và 6 cảnh(sắc thanh hương vị xúc pháp),chỉ khác ở chỗ là các cảm giác được định vị,được phân biệt rạch ròi và trở thành tri giác,đó là Tưởng.

Uẩn thứ tư là Hành uẩn.Đậy là một tổ hợp khá phức tạp với 52 tâm sở không thể kể hết ở đây,nhưng có thể khái quát  chúng thành 4 nhóm (theo Duy Thức Học,môn tâm lý học Phật giáo) :Tâm sở biến hành,tâm sở biệt cảnh,tâm sở bất thiện(như tham sân si),và tâm sở thiện(như không tham không sân không si).Những tâm sở này khi hoạt động sẽ hình thành động lực ý chí theo 2 xu hướng đối lập để tạo nghiệp.Đức Phật đã giảng rằng :"Hỡi các Tỳ Kheo,chính ý muốn ta gọi là nghiệp.".Thật vậy,khi ý muốn phát sinh thì nó thúc đẩy người ta thực hiện nó bằng thân khẩu ý.Như thế hành uẩn chính là những nguyên động lực tạo tác tạo nghiệp.

Cuối cùng là Thức uẩn.Thức nghĩa là biết(chắc vậy,vì ngủ thì đâu biết gì,hehehe),nhưng không phải là"giác"hay là"tri".Thức là cái biết ở mức độ khái quát cao,bao gồm cả 3 hoạt động phân tích, tổng hợp và loại suy.Tổ hợp của thức cũng giống như Thọ và Tưởng.Ta hãy nghe Đức Phật giảng về Thức như sau :"Thức được gọi tên tùy theo bất cứ điều kiện nào má từ đó nó phát khởi.Nhờ con mắt và hình dạng mà một thức được phát sinh,ta gọi nó là nhãn thức.Nhờ tai và âm thanh mà một thức được phát sinh,ta gọi đó nhĩ thức..Nhờ mũi và mùi mà một thức được phát sinh,ta gọi đó là tỉ thức.Nhờ lưỡi và vị mà một thức được phát sinh,ta gọi đó là thiệt thức.Nhờ thân thể và những sự vật có thể sờ mó được mà một thức được phát sinh,ta gọi đó là thân thức.Nhờ ý và những đối tương của tâm ý(biểu tượng và khái niệm)mà một thức được phát sinh,ta gọi đó là ý thức..."

Nhìn chung,Ngũ Uẩn giống như cái kiềng 3 chân,mất một chân thì 2 chân kia không thể đứng.Có một chân thì phải có hai chân còn lại mới thành kiềng 3 chân."Dù ai nói ngả nói nghiêng,lòng ta vẫn vững như kiềng 3 chân,hehehe."Thế nên vì Sắc uẩn là vô thường nên các uẩn còn lại cũng thế thôi.Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh dạy rằng :"...Sắc bất dị Không.Không bất dị Sắc.Sắc tức thị Không.Không tức thị sắc.Thọ Tưởng Hành Thức diệc phục như thị."(Sắc chẳng khác Không.Không chẳng khác Sắc.[nên hiểu khái niệm Không khác với khái niệm Vô Thường.Vô thường là biến dịch,còn Không là vượt ra ngoài tự tánh cô lập."Không"không phải là khái niệm đối lập với "có" mà là một khái niệm vượt ra ngoài mọi khái niệm.Có thể nói nôm na Sắc thấy vậy mà không phải vậy,và Không cũng thế.]Sắc chính là Không.Không chính là sắc.Thọ Tưởng Hành Thức cũng đều như thế cả.)

Bây giờ có thể kết luận được rồi :"Không thể tìm thấy tôi nơi Thọ Tưởng hành Thức."

Thế thì :"Tôi là ai,có thể tìm thấy tôi ngoài Thọ Tưởng Hành Thức không ?"

Hẩn là không,vì Thọ Tưởng Hành Thức cũng đều là đất lành cho chim đậu.Tôi như ngọn lửa cháy lên từ rừng cây ngũ uẩn.(ở Mỹ là họ kêu máy bay dập đó nhe,hehe)Trang Tử từng nói :"củi thì hết thanh này tới thanh khác,mà lửa thì vô cùng."

Thế thì" tôi là ai,có phải tôi là một cái gì vượt ra ngoài Ngũ Uẩn không ?"

Hẳn là không,vì không có Ngũ uẩn thì không có ý thức về cái tôi."Không có lửa thì làm sao có khói,hehe."

Thế thì tôi là ai ? Tôi đang sống đây mà chính tôi còn không tìm thấy tôi thì bạn có thể nào tìm thấy tôi chăng ?

Có thể bạn không tìm thấy tôi giữa rừng người phố chợ.Nhưng nếu bạn là cảnh sát giao thông mà tôi vượt đèn đỏ thì bạn sẽ tóm được tôi ngay,hehe.Hoặc giả bạn là chủ quán mà tôi ăn xong quên trả tiền thì bạn cũng tìm tới tôi liền,chớ quên rằng"Không tức thị Sắc."Hehehe.Và thế là"Tôi vui chơi giữa đời,ối a biết đâu nguồn cội.Tôi thu tôi bé lại,làm mưa tan giữa trời"(Trịnh Công Sơn-Biết Đâu Nguồn Cội)

Hạt mưa giữa trời vẫn còn to.Nếu tôi thu tôi bé lại thì sẽ bé cỡ hạt electron thôi,hehe.Electron là cư dân của thế giới nguyên tử,những viên gạch xây nên ngôi nhà vật chất mắt thấy tai nghe sờ nếm được.Nó hiện hữu rành rành ra đấy nhưng đố bạn tìm ra nó,hehe.Hãy nghe nhà vật lý học nguyên tử Julius Robert Oppenheimer,cha đẻ của trái bom nguyên tử đầu tiên mô tả nó ở trang 42 trong cuốn Science and the Common Understanding của ông :"If we ask,for instance,whether the position of the electron remains,we must say NO.If we ask whether the electron's position changes with time,we must say NO.If we ask whether the electron is at rest,we must say NO.If we ask whether it is in motion,we must say NO."(Giả dụ như ta hỏi vị trí của hạt điện tử có giữ nguyên một chỗ không,ta phải nói KHÔNG.Nếu ta hỏi vị trí của nó có biến thiên theo thời gian không,ta phải nói KHÔNG.Nếu ta hỏi nó có đang dừng lại không,ta phải nói KHÔNG.Nếu ta hỏi nó có đang chuyển động không,ta phải nói KHÔNG.)

Chẳng biết Oppenheimer có đọc kinh Nikaya không mà những tình huống hiện hữu của hạt điện tử ông nêu ra không khác gì về mặt ý nghĩa với những tình huống mà Đức Phật đã giảng cho ngài A Na Luâ5t Đà.Đến đây ta có thể nhận ra rằng bản chất của hiện hữu vượt ra ngoài những khái niệm mâu thuẫn đối lập.Để nhận diện một sự thật hiện hữu,ta không thể bảo nó có hay không,nó động hay tĩnh,nó mất hay còn.Mọi hiện hữu đều thấy vậy mà không phải vậy.Cọp dữ có thể ăn thịt người nhưng không bao giờ ăn thịt con.Một kẻ giàu tiên nhưng có thể nghèo tình hoặc ngược lại,hehehe.Giữa Sài Gòn huyên náo cũng có thể tìm ra một góc bình yên,hoặc giữa Dalat bình yên vẫn rộ lên những góc trời náo nhiệt.Dù náo nhiệt hay bình yên người ta đều phải đối mặt với cái khổ như đối mặt với từng bữa ăn hàng ngày,vì thế Đức Phật đã khẳng định rằng Ngài chỉ dạy về KHỔ và con đường DIỆT KHỔ.

Sau câu chuyện trên vẫn còn đọng lại câu hỏi "Tôi là ai"như một tiếng vọng giữa biển khơi thăm thẳm.Không ai có thể trả lời giùm bạn.Chính bạn phải tham gia Công Án này :"Hãy chỉ cho ta xem cái Bản lai Diện Mục(bộ mặt riêng có thể nhìn thấy được)của ngươi trước khi ngươi sinh ra đời."

                           -000-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét