Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG MÂY KHÓI



Tôi chỉ là một lãng tử đầu đường xó chợ.Rất nhiều khi tôi tình cờ nghe được những câu chuyện của những kẻ lang thang,thấy được những đoạn đời lướt qua từng góc khuất khiến từ đó đời tôi dần dà dài đêm hơn dài ngày bởi những gì tôi được nghe được thấy đã trở thành câu chuyện của chính tôi ! Tôi muốn kể lại câu chuyện này một cách hoàn hảo có lớp lang thứ tự rõ ràng mạch lạc nhưng tôi không thể,bởi chúng cứ cuộn lên và trôi đi trong hồn tôi như những áng mây bất chợt,những sương khói mơ hồ nên tôi gọi chúng là những con đường mây khói.

CÂU CHUYỆN THỨ 1 :

Hai kẻ lang thang cùng ngồi trong một quán cóc ven đường giữa đêm mưa lạnh,mỗi người một góc,không ai bảo ai tiếng nào,chỉ lẳng lặng nhấm nháp cốc rượu của riêng mình lơ đãng ngắm mưa.Người chủ quán cũng lẳng lặng thu mình trong góc quầy bé xíu,thỉnh thoảng ngáp dài ! Tôi từ ngoài mưa bước vào nhập cuộc,và không gian lặng lẽ trong quán càng thêm lặng lẽ bởi sự đóng góp của một khối thịt câm nín nặng nề !

Mỗi khi nhớ lại hình ảnh trên tôi tự hỏi có phải con người xuất hiện giữa cuộc đời theo cùng cách ấy không ! Cơn mưa lạnh lẽo bên ngoài đã khiến họ nối tiếp nhau tìm vào một chỗ tạm trú an toàn,nơi họ có thể tự sưởi ấm mình bằng những cốc rượu nóng những dĩa mồi ngon.Họ gặp nhau tựa như những người xa lạ,dù chung nhau một không gian nhưng mỗi người lại thu mình trong cái thế giới cô đơn câm nín của riêng mình ! Biết đâu trong cái thế giới cô đơn ấy họ lại có cùng những giấc mơ,những khát vọng,những ưu tư nhất định.Rồi sau cơn mưa mỗi người lại chia nhau mỗi ngả trong cùng một bóng đêm ôm lấy mỗi bước chân.


CÂU CHUYỆN THỨ 2 : SEARCHING for GOD by R.TAGORE



Hôm qua một anh bạn cao hứng đọc tôi nghe vài đoạn trong đoản văn tựa đề Searching For God của Tagore.Tôi cũng cao hứng lây và nhớ lại mình đã từng đọc qua cách đây lâu lắm rồi ! Sáng nay rỗi rảnh lục tìm trên net thấy nó ở đây :

http://www.spiritual-short-stories.com/spiritual-short-story-252-Searching+for+God.html

Xin chia sẻ sự thú vị này cùng bè bạn.

Chữ GOD ở đây theo tôi là Chân Lý.Con người luôn khao khát kiếm tìm Chân Lý.Nhưng Chân Lý luôn ở tận một vì sao xa xăm nào đó.Khi ta tìm tới được vì sao ấy thì chân lý đã dời gót qua vì sao khác ! .Cuộc kiếm tìm cứ thế mà kéo dài hàng thế kỷ đến nỗi khát vọng kiếm tìm chống lại chính nó và con đường kiếm tìm biến thành mục đích ! Rồi một ngày kia khi đã xác định được ngôi nhà Chân Lý đang cư ngụ thì một nỗi sợ hãi lạ lùng đột ngột phát sinh :"Ta sẽ làm gì đay sau khi đã chạm vào Chân Lý !"Thế là người ta quay lưng bỏ chạy thục mạng khi nghe thấy từ ngôi nhà ấy Chân lý bước ra và cất lên tiếng gọi :"Người bỏ đi đâu thế ?Ta ở đây này ! Hãy bước vào đi !"

Sau đó người ta vẫn tiếp tục công cuộc kiếm tìm nhưng luôn tránh xa ngôi nhà ấy ! Người ta chỉ vui thú với lộ trình hành hương của chính mình thôi !

Có lẽ sự thể cũng xảy ra cùng một cách như thế đối với đạo đức và cái đẹp,bởi chân thiện mỹ tuy ba mà một.Và có lẽ với cả tình yêu cũng thế !

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

KHỔ

 

Hai bạn nhậu ngồi tâm sự với nhau .

A : "Đời buồn !"
B : "Đời ai mà chẳng buồn !"
A : "Ông mà buồn gì ! Ông có đủ thứ ! Ông sướng thấy mẹ !"
B : "Có đủ thứ mới khổ dữ ,vì cứ phập phồng không biết giữ được bao lâu ! Vả lại muốn có chừng đó đâu dễ dàng gì ! Tui ngồi salon mặc kệ bên ngoài mưa gió nhưng lòng cứ thấp thỏm sợ mai mốt nhà giột nệm hư.Còn ông ngồi ngoài mưa gió chẳng phải lo lắng gì !"
A : "Sao ông biết tui không lo lắng ? Tui lo thấy mẹ vì không biết mình chịu đựng được bao lâu nếu không kiếm ra một cái salon dù nó sờn cũ đi chăng nữa !"
B (thở dài) :"Chẳng biết có ai trên đời này thật sự sướng không hả !"
A : "Tui nghe nói những người tu hành đạt đạo thì hết khổ." 
B :"Chuyện vớ vẩn ! Tui chả tin !Tui thấy mấy thằng cha thầy tu tham sân si bỏ mẹ !"
A : "Ông cứ nói càn ! Ông đã gặp hết tất cả thầy tu từ cổ chí kim chưa mà dám vơ đũa cả nắm !"
B : "Thì tui nói theo kiểu thống kê vậy mà..."
A : "Ông có biết đạo Phật quan niệm về khổ như thế nào không ?"
B : "Tui chỉ biết đạo Phật nói đời là bể khổ.Nhưng khi nghe giảng giải về những cái khổ sao tui thấy rườn rà rắc rối quá tui không hiểu và cũng chẳng quan tâm.Tui thấy đời người có lúc khổ lúc sướng cho nên quan tâm tới cái khổ nhiều quá chỉ tổ bị nhiễm khổ chả ích lợi gì ! Tại sao không nhìn đời chỉ theo một hướng tích cực thôi cho nó khỏe !"
A : "Ông chỉ được cái nói dóc ! Kẻ lạc quan tích cực ngửa mặt nhìn trời hoài rồi cũng sẽ có lúc mỏi cổ gục mặt xuống đất thôi !"
B : "Thì biết vậy ! Bốn mùa xoay chuyển là qui luật của tạo hóa mà !"
A : " Bởi ông đứng yên nên mới thấy bốn mùa xoay chuyển.Nếu ông xoay chuyển cùng với bốn mùa thì sự thể sẽ khác."
B : "Tui chưa hiểu !"
A : "Ông thử xoay đi rồi ông sẽ hiểu."

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

SỨC KHỎE,BỆNH TẬT và DƯỠNG SINH



  "Early to bed early to rise
              Make a man healthy,wealthy and wise."

Hầu như mọi người đều cho rằng sức khỏe là trạng thái đối lập với bệnh tật nên khi cảm thấy mình không mắc bệnh gì thì cứ nghĩ là mình khỏe,mà đang khỏe thì không mấy hứng thù quan tâm tới vấn đề sức khỏe trừ phi đang bệnh hoặc vừa trải qua một trận bệnh ra trò.Nhưng nếu ai nhớ lại câu ông bà xưa nói"Bảy mươi chưa què chớ cậy mình lành",và nhìn ra chung quanh để rút kinh nghiệm thì chắc phải giật mình nghĩ lại,vì dường như ranh giới giữa sức khỏe và bệnh tật  chỉ là một làn sương khói mong manh.

Một người đang khỏe có thể là một người mới hết bệnh hoặc sắp tái bệnh.Một người đang bệnh có thể là một người vừa hết khỏe hoặc sắp khỏe lại.Thông tin cập nhật của hai trạng thái khỏe và bệnh đến với nhận thức của ta luôn chậm hơn tốc độ diễn tiến của chúng rất nhiều.Bởi vậy,để xác định rõ hiện trạng sức khỏe của ta bằng cảm giác chủ quan là một "mission impossible".

Ở những nước tiên tiến,người dân có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm hoặc nửa năm.Ở nước ta vì điều kiện y tế xã hội còn kém nên dân ta chưa có được thói quen tốt đó,bởi vậy việc phát hện trễ những căn bệnh nguy hiểm thường dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Nhưng nói vậy không phải là hết cách.Dân ta có truyền thống anh hùng sống chung với lũ.Khi đã xem lũ là bạn thì sẽ thấy lũ hào phóng biết bao.Lũ đem cá linh biếu không cho ta nhậu xả láng mà vẫn còn dư dã để làm mắm bán ra các tỉnh,hehe.

Cơ thể ta là một hiệp chủng quốc với các cộng đồng đa sắc tộc của đủ thứ chủng loải ký sinh trùng,vi trùng,siêu vi trùng,vi khuẩn.Khi nào cơm lành canh ngọt thì thiếp thiếp chàng chàng.Khi nào hết cơm hết rượu thì hết ông tôi !!!Ấy là chưa kể đến môi trường bên ngoài cơ thể tựa như một đại dương mênh mông."Bên em là biển rộng",nhưng hãy coi chừng,biển ấy đầy dẫy những cá mập và hải tặc,không đủ bản lãnh hoặc không đủ tiền chuộc thì đừng hòng thoát nhé,hehe.

Nhưng chớ quá lo lắng.Ta chỉ có kẻ thù khi ta còn khăng khăng cố chấp và đầy dẫy hoài nghi.Nhưng một khi ta mở lòng vị tha,cảm thông và chia xẻ thì sẽ không còn kẻ thù nào hiện hữu.Trời sinh cơ thể con người có khả năng tự điều chỉnh thích nghi để biến thù thành bạn.(nhưng xin chớ biến bạn thành thù dù cho khả năng ấy vẫn chạy tốt,hehe).

Một trận bão thổi qua rừng,cây cứng gãy đổ hết,chỉ còn lại dây leo và cỏ.Con cò ăn đêm đậu phải cành mềm thì chỉ có mà lộn cổ xuống ao,hehe.Lão Tử nói"cỏ cứng là cỏ chết,cỏ mềm là cỏ sống".Ông bà xưa thì nói"mềm nắn rắn buông".Thế mới biết khả năng mềm dẻo thích nghi là khả năng tuyệt vời để bảo vệ sức khỏe.Định nghĩa mới của tổ chức Y Tế Thế Giới(WHO)về sức khỏe cũng khẳng định điều này.Hơn nữa,còn nhấn mạnh rằng sức khỏe toàn diện là sức khỏe của cả thể chất lẫn tinh thần,tính mềm dẻo thích nghi phải được thể hiện tốt ở cả hai mặt đó.(Có lẽ tựa như "con cắc kè màu xanh màu đỏ".Nhưng xin chớ để"em bắt về em nấu cà ri"nhé,hehe).

Các triết gia ví đời người như một giòng sông.Dựa vào hình tượng đó ta có thể ví sức khỏe như một giòng nước chảy(cầh ghi nhớ rằng sức khỏe là một tổng thể của cả thể chất lẫn tinh thần)vì sức khỏe chính là sinh mệnh,và nước chảy thì đá mòn.

Có lẽ cần linh động hơn khi xử dụng hình tượng giòng sông để ví von với đời người và sức khỏe.Nguồn sông không phải là một điểm cố định và thụ động.Nguồn sông luôn luôn xuất phát ở thời điểm hiện tại trong cuộc sống hàng ngày.Nhận ra điều đó ta sẽ ý thức được ngay tầm quan trong của việc bảo vệ môi trường.Nếu ta xả rác làm vẩn đục giòng nước ở thượng nguồn thì hạ nguồn sẽ ra sao ! Giòng sông không phải của riêng ta mà còn là thành viên của cả hệ sinh thái,có quyền lợi và có nghĩa vụ đối với hệ giống như bao thành viên khác.Nó có cơm thì hệ có cháo(nó có cơm nguội,hệ có cháo gà,hehe),nó bát nháo thì hệ cũng bổ nhào,nó lào cào thì hệ cho đi đứt,hehe.

Tuy mỗi người chúng ta có cách xử sự riêng với giòng sông của mình,nhưng đều có một mục đích chung là giữ cho nước sông luôn trong lành và không bao giờ tù đọng.Có nhiều cách để giữ tùy theo kiến thức,quan điểm,truyền thống và thói quen của mỗi người,vì " Đạo nào cũng Thiện"(xin chớ đọc âm không dấu như người Tây Nguyên nhé,hehehe).

Riêng tôi có một thói quen đơn giản là chú tâm vào hơi thở bất cứ lúc nào có thể chú tâm được.Mỗi lúc chú tâm sâu xa tôi đều nhận ra đó không phải là hơi thở của riêng mình mà là hơi thở của muôn loài,của vạn vật từ thủa rất xa xưa vẫn đang liên tục trải dài đến vô cùng vô tận.

                                      -000-

                               
                                 BỆNH TẬT

                        "Bách nhân bách tính
                          Bách nhân bách bệnh"

Nếu ví con người như một tảng băng trôi trên biển thì phần chìm dưới nước là sức khỏe và phần nổi lên trên là bệnh tật.Người ta thường xuyên đối diện với bệnh tật hơn là với sức khỏe.Không ai mà không có lúc nhức đầu đau răng sổ mũi ho hen đau bụng tiêu chảy táo bón cảm sốt hồi hộp khó thở choáng váng nôn ọe ăn không ngon ngủ không yên, v...v...Đó chỉ mới là một ít những triệu chứng của thân bệnh.Còn phải kể thêm một ít triệu chứng của tâm bệnh như sợ mất của,sợ hết tiền,sợ con cái học ít,ham số đề,ham chứng khoán,đua xe,thèm gái,thèm rượu bia,thèm thuốc lá,thích lừa đảo,thích xoi mói chuyện người khác,dễ nổi cáu,dễ buồn phiền,hay giận dai,v...v...Thế đấy,bệnh tật xứng đáng với ngôi vị thứ 3 trong tứ trụ SINH LÃO BỆNH TỬ cõng trên vai nỗi ám ảnh kinh hoàng của kiếp người mà Đức Phật đã quy nó vào chân lý thứ nhất của bốn chân lý(Tứ Diệu Đế) :KHỔ ĐẾ(chân lý về cái khổ).

Nhưng bệnh tật không dành riêng cho con người.Cỏ cây muông thú đều có bệnh.Từ dịch chuột(dịch hạch)tới dịch chim(cúm gia cầm).Hết cúm gà rồi tới cúm heo,làm bao nhiêu quốc gia phải đau đầu !Cuộc chiến đấu của con người chống lại bệnh tật quả là hoành tráng.Nhưng cũng như bao nhiêu cuộc chiến khác,có áp bức thì có đấu tranh,mà đấu tranh là đánh trâu,đánh trâu thì trâu húc,hehe.Cuộc chiến với bệnh tật là cuộc chiến không có kẻ chiến bại.Bệnh tật có thể thua một trận đánh nhưng không bao giờ thua một cuộc chiến.Các chủng loại vi trùng siêu vi trùng luôn luôn quay lại chiến trường với những bộ áo giáp kiên cố hơn,những vũ khí lợi hại hơn dưới những lớp mặt nạ ma mãnh hơn.

Thế nên cần có một góc nhìn khác về toàn cảnh bức tranh này.Chúng ta nhân danh cái gì để chiến đấu chống bệnh tật ? Nhân danh hạnh phúc của con người ư ? Nếu thế thì hạnh phúc của một bệnh nhân chẳng lẽ chỉ vỏn vẹn có niềm hy vọng dược chữa lành thôi ư ? Nhưng liệu một người lành bệnh có luôn được sống trong hạnh phúc không ? Tất cả những câu hỏi này sẽ dẫn ta tới kết luận rằng chúng ta chỉ nhân danh NỖI SỢ HÃI và ÁM ẢNH về bệnh tật mà chiến đấu thôi.Một chiến binh chiến đấu bởi nỗi sợ hãi và ám ảnh của chính mình thì sẽ ra sao ?

Bệnh tật là một chân lý của đời là bể khổ.Để giải thoát khỏi bể khổ không phải là nhảy tót lên bờ hay quánh nhau với nó,nhưng là chịu khó ngắm nghía nó cho kỹ.Hãy"nhìn một lần cho rõ mặt oan khiên",rồi sẽ thấy cái oan khiên đó sao mà dễ thương đến thế,hehe.

                                  -000-

                          DƯỠNG SINH

                 "Hư kỳ tâm.Thực kỳ phúc.
                   Nhược kỳ chí.Cường kỳ cốt."
                 " Vô vi nhi vô bất trị." 

Con người ta quý sức khỏe,sợ bệnh tật,ham sống lâu nên tìm đến dưỡng sinh như một lối thoát và hy vọng.Phong trào dưỡng sinh đã rầm rộ trên thế giới từ lâu,nhất là ở các nước tiên tiến,và chỉ mới rầm rộ ở nước ta thời gian gần đây.(Vì ông bà ta đã dạy"ăn cỗ đi trước lội nước đi sau",hehe).

Đa số người tập dưỡng sinh là những người lớn tuổi,vì họ cảm nhận chuyện"gần đất xa trời"và"lực bất tòng tâm"sâu sắc hơn thanh niên.Nhưng hãy nhớ lại ông bà ta từng nói"Đợi nước tới chân mới nhảy thì đã muộn".Thật vậy,nếu ví đời người như giòng sông và sinh lực như giòng nước thì nếu"thượng điền tích thủy ắt hạ điền khan",và nếu "thượng nguồn xả rác ắt hạ nguồn dơ",hehe.Nói cách khác,tuổi già là hậu quả của tuổi xuân.Ai thích tập dưỡng sinh hãy nên tập ngay lúc trẻ.Nhưng nếu già rồi mới nghĩ tới chuyện tập thì cũng không bao giờ là quá muộn.

Người ta thường tập dưỡng sinh với mục đích bảo vệ sức khỏe,phòng chống bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.Ai cũng thấy đó là những mục tiêu lý tưởng mang lại hạnh phúc cho cuộc sống.Nhưng ta hãy thử lắng nghe ý kiến của bậc Thánh Hiền nói sao về chuyện này("ôn cố nhi tri tân" mới"khả dĩ vi sư"chứ,hehe) :

Ở phần mở đầu chương DƯỞNG SINH CHỦ trong NAM HOA KINH của Trang Tử,ông viết : "Sinh lực của ta có hạn,mà ham muốn của ta thì vô hạn.Đem cái có hạn mà phục vụ cho cái vô hạn là nguy hiểm lắm thay."

Nếu ta thấy câu nói này là chí lý thì phải suy nghĩ lại về mục đích của dưỡng sinh.Nếu chỉ ham sống khỏe để hưởng lạc,ham sống lâu để hưởng thụ,quá lo lắng với bệnh tật thì việc tập dưỡng sinh mất hết ý nghĩa tự thân của nó.Trang Tử đã kể chuyện Đào Đinh mổ bò để minh họa cho triết lý dưỡng sinh của ông.Con dao mổ bò của Đào Đinh xài 19 năm vẫn bén trong khi người khác phải thay dao mỗi tháng một lần.Ấy là nhờ Đào Đinh không bao giờ phạm dao vào xương.Nhưng để đạt được trình độ đó thì Đào Đinh đã phải dày công luyện tập cho đến khi mổ bò mà không còn nhìn thấy con bò(chắc cũng giống như máy bay hiện đại,phi công chỉ xài rada không cần tới mắt,hehe),để cho cánh tay thuận theo sự điều khiển của cái Thần chứ không còn phải dùng cái ý.

Như vậy với Trang Tử dưỡng sinh là thuận theo tự nhiên,buông bỏ cái ý(tất cả những ham muốn,những lo sợ),để cho cái Thần điều khiển hành vi.Cần bàn thêm về khái niệm"Thần"ở đây,theo Trung Y Dịch thì cội nguồn của sinh mệnh là Tinh,Khí,Thần.Tuy phân biệt 3 hình thức khác nhau nhưng thật sự chỉ là một vì mối quan hệ tương tức nội tại(cốt lõi của Đạo học Đông Phương là nhất nguyên luận : Một là tất cả,tất cả là Một).Tinh Khí Thần hiện hữu ở mỗi cá thể với những nội dung mang tính đặc thù cá thể.Nhưng bản chất của Tinh Khí Thần thì vượt ra ngoài cá thể và luôn đóng vai trò chỉ đạo chi phối cá thể đó.Ví dụ cá thể là những con sóng nổi lên trên bề mặt đại dương,mà nước của đại dương ấy ví như Tinh Khí Thần.Mỗi con sóng đều mang trong nó nước của đại dương theo hình dáng của nó,và khi sóng tan đi thì nước vẫn hoàn nước.

Chuyện này mới nghe qua dường như khó hiểu và không thực tế,chỉ dành cho đám triết gia dở hơi lập dị ăn không ngồi rỗi nói phét.Nhưng nếu nghĩ kỹ một chút ta sẽ hiểu ra rằng ngày nay ta đi máy bay,xài di động,xài máy tính online chát chiết đủ thứ là nhờ những ý tưởng không thực tế và những tay dở hơi dám thực hiện những ý tưởng đó đấy,hehe.

Dưỡng sinh không phải chỉ là một ý tưởng,một phương pháp,một phương tiện.Dưỡng sinh là tự thân của sinh mệnh,là ĐẠO,là giòng chảy xuyên suốt cả vũ trụ từ vô thủy đến vô chung.Nó đang chảy trong ta và ta cũng đang chảy trong nó.

Tất cả những phương pháp dưỡng sinh chỉ là hình thức,nhưng cũng là những đôi cánh mà nương vào đó ta có thể bay xa.

                                    -000-

                              TRỒNG HOA

Bay xa là bay đi đâu ? Chắc là phải bay về nhà thôi,mà nhà thì ở đây rồi."Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt",hehe.

Con người ta có tật ở nhà thì thấy buồn,phải kiếm cớ đi loanh quanh để giải sầu.Có người ở nhà thì bề bộn việc nhà,ở nhà mà cứ như không phải ở nhà ! Chỉ có khi đi xa nhớ nhà mới thấy cái thú được về nhà là như thế nào.Đó là cái thú được quay về với những gì thân thuộc,được thảnh thơi không lo nghĩ để tha hồ chia xẻ nỗi niềm.

Chúng ta giống như những kẻ lang thang xa nhà mỗi ngày,tựa như bài hát"sometimes I feel like a motherless child,a long way from home"(dân ca Mỹ).Nhưng thật ra chúng ta vẫn đang sống trong nhà mình mà không hề ý thức.Bởi chúng ta quá bận rộn với những điều mính cho là quan trọng,quá ưu tư,quá lo lắng,quá ham muốn...Chúng ta thích thảnh thơi nhưng lại sợ nhàn rỗi,sợ rằng"nhàn cư sẽ vi bất thiện",,và sợ đối diện với những nỗi buồn chán không tên.

Nếu bạn cho rằng được về nhà là một niềm hạnh phúc,xin bạn hãy biết tận dụng những giây phút thảnh thơi.Nếu bạn thấy mình chưa quen thảnh thơi,phải kiếm một việc gì đó để làm thì xin bạn hãy trồng hoa.

Thân xác bạn chính là mảnh vườn trời cho,và hạt giống thì cũng đã được cấy sẵn trong mảnh đất ấy rồi.Bạn chỉ việc tưới tắn mỗi ngày.Bạn hãy tưới bằng hơi thở của chính bạn,êm dịu nhẹ nhàng,đều đặn sâu xa.Bạn hãy nhớ rằng cái gì dường như yếu đuối nhất lại chính là cái mạnh mẽ nhất."Dĩ nhu thắng cương,dĩ nhược vi cường"(Lão Tử Đạo Đức Kinh)."Há chẳng phải hơi thở đã biến xương cốt các ngươi thành cứng cáp và dựng thẳng nó lên sao"(Kahlil Gibran-Mật Khải).Chúa lấy đất nặn ra Adam theo hình ảnh của Ngài rồi hà hơi vào lỗ mũi khiến hắn trở nên một loài sanh linh(Thánh Kinh-sách Sáng Thế Ký).Hãy quan sát nhịp ra vào của hơi thở như quan sát nhịp lên xuống của thủy triều,bạn sẽ thấy đó là bốn mùa xuân hạ thu đông đang nhịp nhàng luân vũ trong tiết tấu của hệ thái dương quanh giải ngân hà và ngân hà quanh những hố thẳm mênh mông của vũ trụ.

Cứ như thế,bạn hãy tưới tắn đều đặn mổi ngày một cách vô tư không ngóng trông không chờ đợi.Một ngày nào đó đứng trước nghịch cảnh bạn bỗng thấy không hề lo âu sợ hãi.Một ngày nào đó bạn tự dưng thấy dễ dàng cảm thông và bao dung những kẻ đang âm mưu hại bạn.Một ngày nào đó bạn bỗng dưng không còn thắc mắc điều gì vì một bản hòa ca từ ái vang lên ngập tràn trong tim bạn,chan hòa một thứ ánh sáng yên bình như ánh trăng khuya.

                       Và bạn biết rằng hoa đã nở.

                                      -000-





Nhưng còn có một câu hỏi mà bạn không thể không hỏi.

"Chẳng phải lúc nào tôi cũng thở đó sao,ngay cả trong lúc ngủ.Tại sao tôi phải để ý tới hơi thở làm gì cho mất thì giờ ?"

Hãy nhớ lại hình ảnh giòng sông.Nếu bạn xem đời bạn như một giòng sông và giòng nước ấy cính là sinh mệnh bạn.Dù bạn có chú tâm hay không thì giòng sông ấy vẫn không ngừng trôi chảy.Nhưng khi bạn quá chú tâm vào dục vọng,lạc thú,đau khổ,đấu tranh,thù hận,lo âu,sợ hãi,chính bạn đã tự tay mình đắp đập ngăn sông khiến giòng nước bị tù đọng và trở nên ngầu đục.

Nhưng khi bạn thảnh thơi ngắm nhìn giòng sông trôi chảy là bạn đang cùng tuôn trôi với nó,cùng hòa điệu nhịp nhàng với giòng chảy của cả vũ trụ thâm sâu,và những bông hoa nhiệm màu sẽ thong dong mở cánh.

"Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu.Thường vô dục dĩ quan kỳ diệu".(Lão Tử Đạo Đức Kinh)

Tạm dịch : Luôn luôn sống trong dục vọng thì chỉ nhìn thấy chỗ chia lìa của Đạo(Đạo là khái niệm về nguyên lý vũ trụ theo Đạo Đức Kinh).Luôn luôn thoát ly dục vọng thì sẽ nhìn thấy chỗ diệu kỳ của Đạo.

"Viễn ly điên đảo mộng tưởng,cứu cánh Niết Bàn".(Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh)

Tạm dịch : Xa lìa những ảo tưởng do dục vọng tạo nên sẽ đạt tới Niết Bàn(Nirvada,trạng thái kỳ diệu không thể nghĩ bàn nếu chưa chứng nghiệm,là mục tiêu tối hậu của lý tưởng Phật giáo).

"Xin hãy mang chúng con lìa xa những điều ác để chúng con được sống trong quê hương,quyền năng và vinh quang của Cha đời đời(Chúa Cha : Thượng Đế,Đấng sáng tạo ra vũ trụ và con người)".(Chúa Jesus,Kinh Lạy Cha).

Mong bạn bắt đầu trồng hoa ngay từ phút này.

                                   -000-

                      CÁCH THỞ CỦA TÔI

Buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy và lám vệ sinh cá nhân xong,tôi uống cạn một ly nước lọc rồi mở cửa sổ phòng tập,ngồi bán già và bắt đầu định tâm vào hơi thở.

Tôi hít vào rất chậm và rất nhẹ,rồi thở ra cũng rất chậm(lâu hơn lúc hít vào)và rất nhẹ,giữa 2 hơi thở ra vào hoàn toàn liền lạc không chút ngắt quảng..Tôi không chú ý tới cơ hoành và cơ bụng,tôi chỉ có một ý thức duy nhất là chuyển động của hơi thở và cảm giác không có sự hiện hữu của thân thể.

Một lúc sau,khi lại có ý thức về sự hiện hữu của thân thể,tôi bắt đầu phình bụng lên khi hít vào(mùa xuân),rồi giữ hơi ở huyệt Quan Nguyên(hạ Đan Điển,dưới rốn khoảng 5 phân)trong một khoảng thời gian lâu hơn gấp 4 lần lúc hít vào(mùa hạ).sau đó tôi thở ra,thóp bụng lại,nhìn thấy hơi thở đi từ Quan Nguyên xuống Hội Âm,đến Trường Cường rồi theo Đốc mạch chạy lên Bách Hội,thời gian lâu gấp đôi lúc hít vào(mùa thu).Sau đó tôi giữ ý ở Bách Hội và hoàn toàn ngừng thở,thời gian lâu bằng hơi thở ra(mù đông),thế là xong hiệp 1.Hiệp 2 được tiếp tục bằng hơi thở vào từ Nhân Trung lên Bách Hộ,bụng tiếp tục thóp vào(mùa xuân).Giữ hơi thở ở Bách hội(mùa hạ).Phình bụng lúc thở ra từ Bách Hội theo Nhâm mạch xuống Đản Trung(mù thu).Giữ ý ở Đản Trung và ngưng thở(mùa đông)Hệp 3,tiếp tục phình bụng khi hít vào từ Nhân Trung tới Đản Trung(mùa xuân).Giư hơi ở Đản Trung(mùa hạ).Thóp bụng khi thở ra theo mạch Nhâm từ Đản Trung xuống Thần Khuyết rồi theo mạch Đới vòng ra sau Mệnh Môn(mùa thu).Giữ ý ở Mệnh Môn và ngưng thở(mùa đông).Hiệp 4,tiếp tục thóp bụng khi hít hơi từ Mệnh Môn lên Bách Hội(mù xuân).Giữ hơi ở Bách Hội(mùa hạ).Phình bụng khi thở ra từ Bách Hội xuống Quan Nguyên(mùa thu).Giữ ý ở Quan Nguyên và ngưng thở(mùa đông).Hết hiêp 4 là hết 1 chu kỳ,xả bằng cách tiếp tục phình bụng khi hít vào,vẫn giữ ý ở Quan Nguyên,thở ra bằng miệng  khi thóp bụng lại,sau đó thở bình thường vài giây trước khi tiếp tục chu kỳ khác.

Sau khi đã hoàn tất từ 6 đến 8 chu kỳ(khoảng 30ph),tôi trở lại với phép định tâm đầu tiên khoảng 10ph,sau đó xả bằng cách xoa bóp toàn thân.

Buổi tối trước khi đi ngủ chỉ thưc hành phép định tâm 30ph.

                                      
                                 YÊN HỒNG





SANH LÃO BỆNH TỬ




Những người trẻ tuổi thường không ưa nói chuyện sanh lão bệnh tử.Nhưng người đang ngất ngưỡng ở bậc cấp "60 năm cuộc đời" như tôi thì không thể không mủi lòng mỗi khi "trông người lại nghĩ đến ta"!

SANH là một điều kỳ diệu ! Nhìn những chồi non mới nhú,những nụ hoa mới nở,những em bé mới sinh,ta cảm nhận được sự mãnh liệt trong cái mong manh của sự sống.Giữa những mối tương quan duyên khởi trùng trùng của vạn vật,một kết quả của kỳ duyên thật hiếm có lắm thay !

LÃO là một điều kỳ diệu ! LÃO như dòng nước ngầm lặng lẽ dưới dòng sông SANH từ thủa kỳ duyên chớm nở.Rồi một ngày kia LÃO hiển lộ dung nhan như mạch nước ngầm chảy qua khe đá để hòa vào sông suối.

BỆNH là một điều kỳ diệu ! BỆNH là nguồn năng lực điều chỉnh hai quá trình SANH LÃO trong tương quan gắn bó với nhau như những tầng đất đá gập ghềnh giữ cho suối sông và nước ngầm được song hành tuôn chảy về biển cả.

TỬ là một điều kỳ diệu ! TỬ như biển xanh,là nơi tất cả những dòng sông về gặp gỡ.Giữa những mối tương quan duyên khởi trùng trùng của vạn vật,TỬ là một kỳ duyên hiếm hoi cùng gắn bó trong SANH.

Ai biết được tên của đôi dòng SANH TỬ
Bởi bề cao cũng chẳng khác bề sâu
Ai biết được khởi đầu là chung cuộc
Bởi ra đi là tìm chốn quay về.


                          
YÊN HỒNG

THIỀN ĐỊNH




Trước kia có vài người bạn yêu cầu tôi kể vê chuyện tập thiền của tôi.Mới đây cũng có một bạn yêu cầu như thế.

Thật mắc cỡ vì tôi không phải là một thiền sư để có uy tín nói về thiền ! Không phải là một học giả,một chuyên gia hay một nhà trí thức để có những khảo luận uyên bác giá trị về thiền ! Nếu phải luận về thiền thì tôi chỉ như một em bé hí hoáy vẽ con mèo mà không ai nhìn ra con mèo (giống như Hoàng Tử Bé của Saint Éxupery,vẽ con trăn nuốt con voi mà người lớn đều bảo là hắn vẽ cái mũ)!

Nhưng bởi bạn bè yêu cầu nên tôi phải viết như một lời chia xẻ những kinh nghiệm riêng của bản thân mình,vì quả thật tôi có luyện tập một thời gian dài một hình thức tập luyện giống như thiền định của Phật giáo bởi tôi có đọc nhiều sách Phật giáo và rất thích tư tưởng Phật giáo,nhưng tôi không phải là Phật tử thuộc một giáo hội Phật giáo nào nên không có một sư phụ hướng dẫn tu thiền theo một truyền thống thiền nhất định.Thế nên dù tôi có tạm gọi nó là Thiền định đi nữa nhưng chắc chắn nó không phải là thiền định đúng theo đường lối của những pháp môn tu thiền !

Tình hình giống như chuyện tôi học đàn.Hồi còn là học sinh tôi học đàn chỉ vì mê nhạc nên tôi cứ mầy mò tự học.Tới lớn cũng thế,nên dân chuyên nghiệp nhìn tôi chơi đàn có thể bắt lỗi đủ thứ,nhưng khi chơi đàn thì tôi thích và có nhiều người cũng thích nghe tôi đàn.

Cũng giống như chuyện tôi theo lớp võ Aikido.Tôi học Aikido chỉ vì tôi thích triết lý của môn võ này.Đòn thế thì bây giờ quên sạch nhưng có 2 biến cố khiến tôi thấy vẫn còn có một cái gì đó lưu lại.Một lần trời mưa nước đọng trên nền nhà mà tôi không thấy,tôi bước vội,dẫm phải vũng nước,thế là đánh vèo ngã ngửa.Tôi thật ngạc nhiên khi nhận ra mình trôi đi một quãng dài với tư thế ngã ngửa nhưng cái đầu vẫn ngóc lên nhìn bụng nên không bị đập xuống nền nhà,một phản xạ hoàn toàn vô ý thức.Một lần khác trời mưa lâm râm tôi đi bộ băng qua đường,một chiếc xe máy lao  thẳng vào tôi lẹ như tên bắn,bánh xe cán lên chân tôi,mũ bảo hiểm của người chạy xe đập mạnh vào vai tôi.Chiếc xe máy ngã lăn quay cùng với anh chàng lái xe,nhưng tôi không hiểu tại sao mình vẫn đứng trơ trơ chẳng hề hấn gì !

Cũng giống nhu tôi tập Yoga trước kia và sau này là môn khí công Bát Đoạn Cẩm, hoàn toàn không có thầy,chỉ vì mới đầu thấy thích triết lý của yoga,của khí công nên mầy mò tự nghiên cứu tập thử,riết rồi đâm ra ghiền tập vì mỗi lần tập là mỗi lần thấy sảng khoái nhẹ nhàng ngay trong lúc tập.

Thiền định cũng vậy.Tôi có thói quen tập tọa thiền (tôi chỉ ngồi bán già) mỗi tối trước khi đi ngủ và mỗi sáng sau khi thức dậy.Tôi không quan tâm tới chuyện mình phải ngồi bao lâu.Chỉ khi ngồi xuống thì chú ý thả lỏng thân thể trước,sau đó chú ý tới hơi thở ra vô nhẹ nhàng chậm rãi.Một lúc sau tự nhiên nhìn thấy một điểm sáng giữa hai chân mày,tròn như mặt trời nhưng không chói.Tôi cứ nhìn vào đó mà quên hết mọi thứ một cách tự nhiên,kể cả hơi thở.Khi điểm sáng ấy biến mất,tôi lại quay về với hơi thở khoảng 12 hiệp nữa rồi xả thiền,xoa bóp toàn thân bằng hai lòng bàn tay.

Đây chỉ là kinh nghiệm của bản thân tôi,chỉ xin chia xẻ với bạn bè như một lời tâm tình,không có ý muốn thuyết giảng hay truyền bá.Đó chỉ là một thói quen trong cuộc sống hàng ngày,nhưng nó giúp tôi vững tin vào sự hiện hữu của lòng từ bi và sự dũng cảm trước cái sống và cái chết.


                             YÊN HỒNG

vochihien
vochihien wrote on Apr 22, '11, edited on Apr 22, '11
PHỤ LỤC ENTRY THIỀN ĐỊNH

1.TẠI SAO TÔI TẬP THIỀN TỌA HÀNG NGÀY

Chân lý Phật dạy gói gọn trong 2 phần : Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.Tứ Diệu Đế là quả của giác ngộ.Bát Chánh Đạo là phương pháp thực hiện giác ngô.Có thể tổng hợp Bát Chánh Đạo vào 3 góc của chiếc bè vượt bể khổ hình tam giác của nhà Phật là GIỚI,ĐỊNH,TUỆ.

Trong GIỚI có Chánh Ngữ (Ăn nói hợp với chân lý),Chánh Nghiệp (Hành động hợp với chân lý),Chánh Mạng (Sống bằng nghề nghiệp hợp chân lý).

Trong ĐỊNH có Chánh Tư Duy (Suy nghĩ hợp với chân lý),Chánh Định (Trụ tâm ổn định vững chải trong chân lý).

Trong TUỆ có Chánh Tinh Tấn (Siêng năng thực hiện chân lý,không lơi lỏng trì trệ),Chánh Kiến(Thấy biết hợp chân lý),Chánh Niệm (Tỉnh thức trong hiện tại với chân lý).

Khi tọa thiền là tôi đang giữ GIỚI,vì tiếng nói của tôi là vô ngôn,hành động của tôi là thiện nghiệp vì ngồi yên lặng hít thở nhẹ nhàng là trợ duyên cho sự an lành của chúng sinh,nghề nghiệp của tôi lúc ấy là canh giữ sự thanh bình của tam giới.

khi tọa thiền là tôi đang nhập ĐỊNH,vì tôi chẳng suy nghĩ gì nên mới gọi là suy nghĩ hợp chân lý,và tâm tôi thì an trú trong chân lý vì nó đang bềnh bồng trên làn hơi thở mỏng manh chẳng phát khởi một tạp niệm nào.

Khi tọa thiền là tôi đang khởi TUỆ,vì tôi buông xả hết mọi cố gắng nên mới gọi là không lơi lỏng trì trệ,tôi không thấy biết gì nữa nên mới gọi là thấy biết hợp chân lý,và tâm tôi "vô sở trụ" nên mới gọi là tỉnh thức trong hiện tại.

Như thế đấy,mỗi ngày tọa thiền là mỗi ngày thực hiện trọn vẹn Bát Chánh Đạo trong đời sống bình thường.Ngày này tiếp nối ngày khác,công đức ấy sẽ lan tỏa như một làn sóng bao trùm cả mười phương.

2.LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH

Khi thực hiện một việc gì người ta thường muốn biết rõ lợi ích của của việc mình làm,càng cụ thể thiết thực thì động lực càng mạnh.Ngày nay nhờ internet nên thông tin rất phong phú và nhanh chóng,các bạn có thể tìm kiếm thông tin này từ rất nhiều nguồn khác nhau tùy theo nhu cầu hiểu biết và xu hướng của mình.

Riêng với tôi,lợi ích của Thiền Định là chính nó,giống như phần thưởng của lòng từ bi là chính lòng từ bi.Nếu có thể nói gì về lợi ích của Thiền Định thì đó chính là trực cảm của bản thân tôi thông qua thực hành lâu dài.

YÊN HỒNG
obvetolive@ Phật tử tu thiền Tứ Niệm Xứ thường quan tâm tới 4 Đạo quả : Tu Đà Hoàn,Tư Đà Hàm,A Na Hàm,A La Hán.Nhưng nếu đọc trong Trưởng Lão Lăng Kệ (Theragatha) sẽ thấy Ngài A Nan chứng quả A La Hán khi đang quay mình đặt lưng xuống nghỉ.Ngài Châu Lợi Bàn Đà Già ngộ Đạo trong khi đang quét nhà..v..v...Riêng với Thiền Tông thì đặc biệt xử dụng phương pháp của Tổ Sư Bồ Đề :"Giáo ngoại biệt truyền.Bất lập văn tự.Trực chỉ nhân tâm.Kiến tánh thành Phật ".

Kinh văn có tới tam tạng.Phật Pháp có tới tám vạn tư.Tông phái có tới 10 tông phái lớn.Người tu học pháp Phật rất dễ bị hoang mang như lạc giữa rừng già,như một dòng sông muốn về biển cả phải uốn lượn qua bao nhiêu ghềnh thác ! Nhưng "Tất cả là một" (Kinh Hoa Nghiêm),tựa như một giọt nước dù ở sông suối ao hồ hay biển cả vẫn cứ là giọt nước.Giác ngộ được cái "bản lai diện mục" thì sẽ chứng ngộ được Tánh Không của vạn pháp.Đó là cốt tủy của Phật đạo,là con đường giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Mỗi cá nhân trên con đường tu học chỉ là một phần của đạo lộ ấy.Chuyện chứng đắc thế nào còn phụ thuộc vào trùng trùng duyên khởi.Thế nên khi giác ngộ được tính vô thường vô ngã của thân tâm thì có thể an định trong tu tập ở giờ phút hiện tại.

Như đã "thành khẩn khai báo" ngay ở phần đầu của entry này,anh chỉ là một hành giả ngoại đạo,không theo một truyền thống chân chính nào nên không quan tâm tới chuyện mình đang đi đường nào và đi tới đâu ! Anh chỉ kinh nghiệm được những điều sau đây thông qua việc thực hành thiền định (kiểu của anh) một thời gian dài,ấy là anh thấy mình rất dễ dàng cảm thông với mọi người dù có khác biệt tới đâu,nên anh hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của lòng từ bi.Anh thấy mình thoát ly được nỗi sợ hãi về bệnh tật và chết chóc,dễ dàng bình tĩnh trước mọi tình huống khó khăn...Chỉ có thể chia xẻ với em gái vài điều nhỏ nhỏ ấy thôi nhé,hehe. Chúc em cứ tiếp tục võ vẻ nhé,dù chưa tới đâu nhưng ấm nước đun mãi rồi cũng phải sôi,chỉ cần đừng để cho lửa tắt.Hehehe...

                                                YÊN HỒNG

THÂN TÂM AN LẠC




"Thân tâm an lạc" là câu chúc nhau rất thường xuyên của bạn bè trên Multi.Đó là đóa hoa đẹp nhất và trân quý nhất mà ai cũng mong muốn nhưng không dễ có được !

Thân và tâm là hai phạm trù mâu thuẫn đối nghịch có thể được trực quan trong cuộc sống hàng ngày.Bất cứ ai cũng thường xuyên trải nghiệm những điều thân say yes,tâm say no,thân say no tâm say yes ! "Tâm như con vượn,ý như con ngựa",còn thân thì như con rùa !

Thời buổi kinh tế thị trường,lạm phát leo thang,tiền đồng ngày càng mất giá,cuộc sống trở nên chật vật hơn khiến không những chỉ riêng kẻ nghèo phải lo lắng mà cả người giàu cũng thế (nhà giàu cũng khóc là chuyện thường tình mà) ! Thông tin thì toàn chuyện tiêu cực : chiến tranh,bất ổn chính trị,lũ lụt,sạt lở,động đất,sóng thần,nguy cơ nhiễm phóng xạ...Nhưng cụ thể nhất là nguy cơ bệnh tật do thức ăn độc hại (thời buổi y học tiến bộ và thông tin nhanh chóng nên người ta ngày càng phát hiện ra nhiều loại bệnh tật dễ lây nhiễm nên càng lo sợ nhiều hơn),và tai nạn giao thông là những điều làm ta lo lắng thường xuyên.

Khi tâm không yên,người ta hay đổ thừa cho ngoại cảnh :"Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng !"Nhưng chính cái "muốn lặng" đó là động lực tạo nên gió mà ta không nhận thấy.Khi muốn lặng ta luôn phải làm một cái gì đó để được lặng bởi ta thấy sao gió cứ thổi hoài mà không thấy rằng chính cái áp thấp của lòng mình đã thu hút những cơn bão tố.Cái áp thấp của lòng chính là"Ái,Thủ,Hữu" mà nhà Phật đã mô tả trong vòng quay thập nhị nhân duyên của luân hồi mà động lực xoay chuyển ấy là vô minh,hành :"Tôi làm chẳng biết vì sao tôi làm !"(người ta hay tìm cách biện minh cho hành động của mình là hợp với lẽ phải.Nhưng lẽ phải của ta có khi là lẽ trái của người,và lẽ phải lúc này có khi là lẽ trái lúc khác,cho nên càng biện minh,càng đi xa sự thật !)

Tâm đã vậy,còn thân thì sao ? Ta thường lấy cái tâm mà quán xét cái thân,hệt như chủ nhà quán xét người làm ! Cái tâm cứng cỏi thì khắc phục được cái thân.Cái tâm mềm yếu thì bị cái thân nó sai khiến.Đó là cách nghĩ rất phổ biến.

Nhưng trong chân lý thứ nhất (Khổ Đế) của nhà Phật,ta thấy cái thân là sắc uẩn,là tập hợp của bốn yếu tố (tứ đại) đất,nước,gió,lửa.Nhưng sắc uẩn không thể hiện hữu độc lập mà cùng với nó còn có bốn uẩn(tập hợp)khác là thọ,tưởng,hành,thức để tạo thành một phức hợp là cái tôi đang hiện hữu với những nét cá biệt giữa muôn vạn cái tôi khác (nên mới có bài hát"Chỉ vì đó là em")Trong phức hợp này thì cái tâm chỉ là một tên gọi khác của uẩn thứ năm : Thức uẩn.

Như thế thì từ góc độ của triết học Phật giáo mà xét,thân với tâm đều là một bộ phận của ngũ uẩn,chúng ràng buộc nhau,chi phối nhau cùng với ba uẩn khác là thọ,tưởng,hành và đều do duyên sinh nên đều vô thường,vô ngã.

Ta có thể có một hình ảnh trực quan về chân lý trên khi nhìn thân tâm từ góc độ sinh lý học.thân xác ta được chi phối bởi hệ thần kinh trung ương,đại bộ phận do ý thức chỉ huy,nhưng một bộ phận rất quan trọng khác là hệ thần kinh thực vật(Autonomic Nervous System),nó điều khiển chức năng của tạng phủ ngoài phạm vi kiểm tra của ý thức.Rối loạn thần kinh thực vật gây ra nhiều biểu hiện của bệnh tật rất đa dạng,kể cả những bệnh tâm thần nguy hiểm như bệnh tâm thần phân liệt,bệnh trầm cảm,mà biểu hiện phổ biến nhất là những biểu hiện do Stress.Nguyên nhân của những rối loạn thần kinh thực vật đều có nguồn gốc tâm lý,bởi tất cả những khát vọng tạo lập một trật tự tốt hơn đều sinh ra bất ổn,và sự bất ổn lại tạo điều kiện cho sự cố gắng tái lập trật tự khác,cho tới một điểm tới hạn thì tất cả "Boom" một phát,thế là từ Stress có thể dẫn tới trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt !

Cái thân xác có tiếng nói riêng của nó,ta không nghe không hiểu nên mới phải nhờ tới bác sĩ,nhưng bác sĩ cũng đâu thể hiểu hết được ! Thế nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phải "Đôi khi ta lắng nghe ta"...Nhưng có lẽ phải nghe kiểu của Krishnamurti :"Lắng nghe không phê phán",bởi lẽ "sóng âm u" chỉ là một ảo ảnh,không phải là thực tướng của sóng,bởi vì những biểu hiện của sóng là vô thường.

Nhà Phật đã lấy hình ảnh của sóng nước để ví von tính hai mặt của con người và cuộc đời.Hiện tượng là vô thường(hay thay đổi),nhưng bản chât là thường(bất biến),nên mới có câu :"Vô thường thị thường"(Thông qua cái bề ngoài hay thay đổi sẽ nhận ra được cái giá trị bất biến).

Thân và tâm cũng giống như sóng và nước,như đời và đạo.Một bên là hữu tướng,một bên là vô tướng,một bên là sắc một bên là không."Sắc tức thị không.Không tức thị sắc",cho nên khi còn ý thức phân biệt giữa thân và tâm thì cái vòng thị phi vẫn còn quay tít !

Có một nhà điêu khắc định nghĩa điêu khắc là đục bỏ những cái dư thừa để có một bức tượng đẹp.Có lẽ để thân tâm được an lạc cũng thế,cần phải xả bỏ những ý thức phân biệt rườm rà rắc rối để thấm nhập vào ý thức vô phân biệt mà trải nghiệm cụ thể thân tâm là một.

Khi đã từng trải được kinh nghiệm trên,khát vọng làm sao cho thân tâm an lạc sẽ hoàn toàn biến mất như một khối đá đã được đục bỏ những cái dư thừa,và chỉ khi ấy mới có thể nói rằng thân tâm hoàn toàn an lạc.

                              YÊN HỒNG

TỰ TẠI




1.Biết hân hoan khi nắng lên mưa xuống.

2.Biết đắm mình trong màu xanh của biển trời và sông nước cỏ cây.

3.Biết lâng lâng trong gió mát,khoan khoái với mây trời.

4.Biết say sưa những bông hoa,biết chiêm ngưỡng thế giới muôn màu muôn vẻ.

5.Biết đắm chìm trong tĩnh lặng và thao thức cùng các vì sao.

6.Biết chơi đùa với trẻ thơ.

7.Biết chăm chú trong công việc.

8.Biết gánh vác trách nhiệm cùng người khác bất kể thân sơ.

9.Biết lắng nghe và chia xẻ nỗi buồn niềm vui cũng như những khó khăn của mọi người.

10.Không giữ lại bất cứ điều gì cho riêng mình khi người khác cần.

11.Biết quý trọng những gì người đời chê bai và xem nhẹ những gì người đời tôn sùng.

12.Biết mình là bất nhị với vũ trụ vô thủy vô chung.


                      YÊN HỒNG   Dalat 1998



Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

BÓNG CÂU QUA CỬA



"Ngày Xuân con én đưa thoi
           Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi."
                            Nguyễn Du-Kiều-

Thời gian "như bóng câu qua cửa",như"nước chảy qua cầu",thấm thoắt như"thoi đưa",vùn vụt như"mũi tên bay".Ngồi bên cửa sổ mà thơ thẩn ngó ra đường thì thấy thời gian nó chạy qua như ngựa.Nhưng ngồi trong tù ngó qua song sắt mà bóc lịch thì"nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại"(cho nên các nhà làm luật mới thương tình cho phép lót tiền để được tại ngoại hầu tra,hehe).Thế nên cụ Nguyễn Du mới bảo :"Ngày vui ngắn chẳng đầy gang",và"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."

Từ ngàn xưa con người đã biết quan sát các chu kỳ của mặt trời mặt trăng ,của khí hậu thời tiết rồi từ đó ắn định niên lịch phục vụ cho canh tác nông nghiệp.Nhờ lắng nghe gà gáy,tắc kè kêu,nhìn thấy bóng núi bóng cây thay đổi theo vị trí mặt trời trong ngày mà người ta biết làm ra đồng hồ,từ đồng hồ cát cho đến đồng hồ nguyên tử.Thế là người ta đã sáng tạo ra thời gian để đo lường vận tốc và khoảng cách phục vụ cho những nhu cầu thiết thực của cuộc sống.Lâu dần người ta quá quen với nó đến nỡi tin rằng nó là một sự thật khách quan giống như khoảng không trống rỗng để cho các vật thể chuyển động.Người ta biến nó thành con ngựa,dòng nước,con thoi,mũi tên và tưởng mình có thể ngồi thong dong mà nhìn nó chạy,mà ngắm nó bay,hehe.

Nhưng thật sự là chúng ta tự ngồi trên lưng thời gian như ngồi trên lưng cọp,không dám leo xuống vì sợ nó xơi tái,hehehe,nên chi ta nhìn thấy quá khứ cứ chạy lui không bao giờ trở lại.Tương lai thì mờ mịt trong mòn mỏi đợi chờ vì không biết chừng nào con cọp nó mới mệt xỉu để cho mình chạy thoát,hehe.Còn hiện tại thì bình yên trên từng cây số thót tim vì lỡ sẩy tay rớt khỏi lưng cọp là tiêu tùng,hehehe.

Vậy ta hãy giở Kinh Hoa Nghiêm xem Phật giáo quan niệm thế nào về thời gian.Phật dạy rằng đầu sợi tóc cũng đỡ được cả núi Tu Di,một cốc nước cũng đủ chứa cả tam thiên đại thiên thế giới,và chỉ trong một sát na(đơn vị thời gian cực nhỏ,ước chừng phần trăm giây) cũng diễn ra cả a tăng tỳ kiếp(vô lượng kiếp).Những điều này mới nghe qua có vẻ như hoang đường thần thoại nếu xem nó như một sự thật khách quan,và cực kỳ tối tăm khó hiểu nếu xem nó như một triết học vì nghịch lý cái lớn nằm trong cái nhỏ.Sự thể như thế này cũng từng xảy ra với những quan niệm đột phá trong khoa học hiện đại,điển hình như thuyết tương đối của Einstein gắn kết không gian với thời gian thành một liên thể "không-thời gian"và xử dụng nó như trục tọa độ thứ tư gắn vào 3 trục tọa độ của không gian 3 chiều(bây giờ là không gian 4 chiều)trong những phương trình toán học nhằm mô tả chính xác những hiện tượng tương đối.Hệ quả của lý thuyết này là 2 nghịch lý nổi tiếng : sự co chiều dài và nghịch lý anh em sinh đôi.Theo lý thuyết, khi một vật thể di chuyển với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng thì không gian co lại và thời gian giãn ra.Điều đó có nghĩa rằng nếu bạn cao mét bảy mà bạn bay nhanh cỡ đó thì bạn chỉ còn cao có bảy phân,hehehe.Nếu bạn có một ông em sinh đôi chờ bạn dưới đất thì khi bạn trở về anh em không còn nhận ra nhau nữa vì ông em bạn đã bạc tóc bạc râu da dẻ nát nhầu,còn bạn thì vẫn da dẻ láng ơ mày râu nhẵn nhụi,hehehe.Điều này không ai chấp nhân vì nó không có trong " thực tế",mà "thực tế"là gì,đó chỉ là khoảng bé nhỏ hạn hẹp của tâm thức ta mà thôi.Khi các phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân ra đời(các máy gia tốc cực mạnh chuyên bắn phá các hạt nhân nguyên tư)thì một "thực tế"khác đã mở ra : hệ quả về sự co chiều dài và giãn thời gian đã được xác nhận chuẩn xác qua sự thể hiện của các vi hạt tử,vì trong không gian của máy gia tốc các vi hạt tử di chuyển vơi vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng,hạt bay mau sống lâu hơn hạt bay chạm và cũng "lùn" hơn.Thế là nghịch lý đã không còn là nghịch lý nữa.

Cái bình thường chỉ trở thành nghịch lý khi ta nhìn nó từ một góc độ khác.Ví dụ như trên một mặt phẳng 2 chiều thì tổng số các góc của hình tam giác luôn luôn là 180 độ.Các nhà toán học của thế giới 2 chiều tin đó là chân lý toán học bất di bất dịch.Nhưng trong không gian 3 chiều của một khối hình cầu thì tổng số các góc của tam giác trên mặt cầu lớn hơn 180 độ,và số đo ấy sẽ càng lớn hơn theo độ lớn của khối cầu.Đối với các nhà toán học không ra khỏi mặt phẳng 2 chiều để sống trong khối cầu 3 chiều thì số đo này là một nghịch lý không thể chấp nhận được.Điều này nhắc ta nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn Đức Phật kể về con cá và con rùa : Con rùa sau khi lên bờ dạo chơi,trở xuống dưới nước kể chuyện cho cá nghe,không con cá nào tin mà còn nhạo báng con rùa kể chuyện hoang đường,hehe.Trong thời buổi hiện đại này chúng ta đều biết rằng khả năng tồn tại của không gian đa chiều là hoàn toàn khả thi ,bởi vì kiến thức chúng ta vẫn còn là hạt cát trong sa mạc và khả năng trí tuệ của ta vẫn còn là hòn đảo giữa đại dương,vì thế chúng ta sẵn sàng đón nhận mọi nghịch lý để quán chiếu nó dưới ánh sáng Trí Huệ.

Cũng tương tự như thế,nghịch lý Hoa Nghiêm sẽ không còn là nghịch lý nếu ta biết xử dụng phòng thí nghiệm của chính bản thân bằng phương pháp Thiền quán.Ý nghĩa của nhân quả duyên khởi,tương tức tương nhập trong triết học Hoa Nghiêm nếu được luận giải thì có thể gây cảm hứng cho giới trí thức.Nhưng đối với những khối óc nhạy bén mà không thích tư tưởng này thì họ cũng có thể phản bác bằng nhiều lập luận thuyết phục."Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo "mà,hehehe.Cho nên nhà Phật mới quả quyết rằng Chân Lý là "không thể nghĩ bàn".Lão Tử cũng có ý kiến tương tự :"Ngôn giả bất tri.Tri giả bất ngôn."(Nói thì không biết.Biết thì không nói) .Đến đây ta lại thấy có điểm tương đồng với khoa học thực nghiệm :Bất kỳ lý thuyết nào cũng chỉ có giá trị sau khi nó được kiểm chứng bằng thực nghiệm và cho thấy nó phù hợp với thực nghiệm.Lý thuyết nhân quả duyên khởi tương tức tương nhập cũng thế,nó đòi hỏi hành giả phải quán chiếu và chứng ngộ nó bằng tuệ giác của mình,và lúc đó thì chuyện núi Tu Di trên đầu cọng tóc,tam thiên đại thiên thế giới trong cốc nước và a tăng tỳ kiếp trong một sát na không còn là nghịch lý nữa mà khỏi phải mất công biện luận dông dài,hehehe.Lúc ấy có lẽ ta sẽ rất thích tụng bài kệ mà Đức Phật đã dạy sau đây :

                      "Đừng tìm về quá khứ
                       Đừng tưởng tới tương lai
                       Quá khứ đã không còn
                       Tương lai thì chưa tới
                       Hãy quán chiếu sự sống                          
                       Trong giây phút hiện tại
                       Kẻ thức giả an trú
                       Vững chải và thảnh thơi...."

                                       -000-

SẮC và KHÔNG




"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo.
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí.
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo."

                     Ao Thu-Nguyễn Khuyến-

Thuyền bơi trên nước.Lá bay trong gió.Những vật thể rắn chắc(hay mềm mại) chuyển động trong một không gian trống rỗng là hình ảnh trực quan trong cuộc sống hàng ngày giống như mỗi sáng ta vác xe đi làm,đưa đón con cai,đi cafe,đi nhà hàng,đi du lịch.Ta thường không rỗi hơi đâu mà tìm hiểu xem ta rắn chắc như thế nào và không gian chung quanh ta nó rỗng ra làm sao.Nếu lỡ gặp nghịch cảnh như bị cháy nhà,mất của,mất người thân,bị tai nạn hoặc lâm trọng bệnh,ta lại càng không có thì giờ để suy nghĩ vì lúc đó những phản ứng của xúc cảm tiêu cực như lo lắng khổ sở đã phủ bóng đen lên cả cuộc đời.

Phản xạ tâm lý có điều kiện là những phản ứng mà ta tự tập thành thói quen khi phân biệt vật thể chỉ là vật thể,khoảng không chỉ là khoảng không.Điều đó có nghĩa rằng chúng ta vì quá phân biệt rạch ròi mọi thứ nên dễ bị thiếu lòng cảm thông và thương yêu vì không tìm ra mẫu số chung giữa những đối nghịch và mâu thuẫn. Hãy nhớ lại nội dung của đoạn đầu Kinh Pháp Cú (Phẩm Song Yếu) :"Chính ý nghĩ của ta làm nền móng cho tư tưởng ta,và xuất phát từ đó mà suy nghĩ và hành động của ta sẽ mang lại đau khổ hay hạnh phúc cho ta là điều tất yếu."Thấy được tầm quan trọng của nhận thức như thế chúng ta mới cỏ thể hăng hái vác cuốc ra vườn và bắt đầu đào xới.

Nhát cuốc đầu tiên cuốc trúng một hòn đá đánh "keng"một tiếng.Hồi xưa đã từng có một Thiền sư nhờ cuốc trúng hòn đá mà hốt nhiên đại ngộ.Nhà vật lý học Newton cũng nhờ trái táo rơi(chắc rơi trúng đầu ! Hic hic) mà ngộ ra định luật vạn vật hấp dẫn.

Thế giới hiện thực mà ta đang sống là một thế giới vật chất,nhà Phật gọi là SẮC.Với kiến thức khoa học phổ thông hiện đại chúng ta đều biết rằng vật chất là một cấu trúc đa dạng được xây dựng từ những thành phần cơ bản không thể phân chia là những vi hạt tử(particles,như electron,proton,neutron,là 3 thành phần chính của cấu trúc nguyên tử).Những thành phần cơ bản này quá nhỏ,vượt xa khỏi tầm nhận thức của cảm quan,nhưng ta vẫn thân thiết với chúng trong đời sống hàng ngày : Móc điện thoại di động ra a lô.bấm rì mốt coi TV,coi DVD.Mở máy tính ra online chát chiết.Thế là ta biết khoảng không gian chung quanh ta cũng lấp đầy vật chất : từ hơi nước đến những phân tử của các loại chất khí(oxygen,nitrogen,carbonic,v...v...)đến các sóng điện từ với đủ loại tần số khác nhau(bao nhiêu là kênh TV,kênh radio,bao nhiêu là kênh điện thoại,quá xá trời),lại thêm ánh sáng(cũng là một dạng sóng diện từ)với những bước sóng ngắn dài đủ cỡ.Với mật độ giao thông "ngựa xe như nước áo quần như nêm"thế mà "em nào cũng có phần",cũng kiếm dường chui qua trót lọt.Thế nên Lão Tử mới than :"Đạo thì trống rỗng mà đổ vào mãi không đấy."(mới nghe mà giật mình,chợt liên tưởng tới lòng tham không đáy đổ vào mãi không đầy.Chẳng lẽ lòng tham cũng là Đạo,nhưng chắc là Đạo Tặc ! vì lòng tham tự nó đổ đầy chính nó nên mọi thứ khác có đổ vào cũng chỉ vô giá trị ,giống như tiền như không mà có,tiền mà có cũng như không !).

Đến đây buộc ta phải suy nghĩ rằng dù số lượng vật chất có bao la đến mức nào thì vẫn phải tồn tại một khoảng trống không tuyệt đối bao bọc nó để nó có thể chuyển động.Đó cũng chính là thế giới quan của nền vật lý học cổ điển mà ta đã từng học ở bậc phổ thông.Các lực cơ học luôn xảy ra trong một không gian đẳng hướng và đồng nhất.Bởi thế ta kết luận rằng vật chất và không gian bao quanh nó(Sắc và Không)là 2 thực thể hoàn toàn tách biệt.

Nhưng tình thế đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi thuyết tương đối tổng quát(General Relativity Theory)của Einstein ra đời.Xin chú thích là ở đây ta chỉ vận dụng những hệ quả của thuyết tương đối để thuyết minh chứ không dám bàn vè thuyết này vì nhớ lại chuyện 2 vĩ nhân khen nhau :" Einstein khen Charlot vĩ đại vì ai cũng hiểu và xúc động với kịch câm của ông.Charlot khen Einstein vĩ đại vì chẳng ai hiểu được thuyết tương đối của ông !"

Trước khi "tri tân" ta cũng nên"ôn cố"lại tình hình của vật lý học cổ điển một chút.Khi khảo sát các tương tác cơ học,các nhà vật lý đã tranh cãi về 2 giả thuyết khác nhau :một là tương tác trực tiếp,gọi là tác dụng xa,có nghĩa là tương tác xảy ra tức thời qua không gian trống rỗng như lực hấp dẫn giữa các thiên thể.Hai là tương tác gián tiếp,gọi là tác dụng gần,có nghĩa là tương tác được thực hiện thông qua một trường trung gian,giống như"tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài...!"

Khi 2 nhà vật lý học Faraday và Maxwell đặt nền móng cho điện động lực học thì khái niệm "trường"đã được xác lập không chối cãi.Các điện tích chỉ tương tác với nhau thông qua điện từ trường(điện và từ là 2 mặt của cùng một vấn đề),không có chỗ cho không gian trống rỗng,và điện từ trường trở thành một đại lượng vật lý xác định.Tự điển vật lý định nghĩa"Điện tích là tính chất của các hạt vi tử mang điện(electron,proton,pozitron)thể hiện ở chỗ các hạt đó luôn gắn liền với điện từ trường và chịu những tác động nhất định của điện từ trường."Vậy điện từ trường là gì ? Tự điển định nghĩa :"Điện từ trường là trường vật lý của các điện tích chuyển động và thực hiện những tương tác giữa chúng."Ở đây lần nữa ta lại chạm mặt với lý Nhân Quả Duyên Khởi của nhà Phật :"Vì có điện tích nên có điện từ trường.Vì có điện từ trường nên có điện tích.Không có điện tích thì không có điện từ trường.Không có điện từ trường thì không có điện tích."Đúng là"Mình với ta tuy hai mà một.Ta với mình tuy một mà hai."

Bây giờ quay lại với thuyết tương đối tổng quát,Einstein đã chỉ ra rằng các thiên thể hút nhau thông qua trọng lục trường(Gravity field).Trọng lực trường này uốn cong không gian bao quanh thiên thể vì thế mà nó làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc hình học của không gian.Hệ quả là vật chất của thiên thể không thể tách rời trọng lực trường cũng như trọng lực trường không thể tách rời không gian cong.Thế là ở đây vật chất và không gian (Sắc và Không) không còn là hai thực thể độc lập mà là một chỉnh thể tương duyên tương sinh,tương tức tương nhập. :"Sắc bất dị Khộng,Không bất dị Sắc.Sắc tức thị Không,Không tức thị Sắc."

Từ ngoài vũ trụ ta lại về với thế giớ nhỏ bé quanh ta,ngồi trước màn hình TV mà đối mặt với không gian lượng tử.Ta biết rằng bất kỳ vật thể nào bị đốt nóng cũng phát ra sóng điện từ,kể cả thân nhiệt 37 độ C của ta.Các nhà vật lý cổ điển đã thử đo đạc định lượng bức xạ này bằng phương trình Maxwell và định luật cơ học Newton.Kết quả thật phi lý vì mọi thứ sẽ bị mất năng lượng rất nhanh và mau chóng lạnh đi đến độ không tuyệt đối.Có một cái gì sai sót ở đây nên kết quả mới đi ngược lại thực tế như thế.Phải đợi đến Max Planck đưa ra khái niệm "lượng tử"(quantum)và xây dựng lý thuyết lượng tử thì vấn đề mới được giải quyết ổn thỏa.Rất đơn giản là các sóng điện từ chỉ bức xạ năng lượng  từng lượng tử,nghĩa là từng phần nhỏ của nó,nhưng mỗi phần nhỏ đó đều mang theo đầy đủ các tính chất của sóng điện từ.(Hèn chi mà Kahlil Gibran đã nói :"Qua giọt nước ta thấy được đại dương.").Hãy tưởng tượng bạn đang xuôi thuyền trên sông giữa một ngày nắng đẹp.Những hạt hơi nước li ti từ dòng sông bốc lên mát rượi trên da bạn,và dòng sông vẫn êm đềm trôi xuôi.Thế là ta có thể tạm rút ra kết luận :"Trong cái liên tục luôn luôn có cái bất liên tục."

Einsten cũng phát biểu như thế về bản chất ánh sáng từ năm 1905.Ông cho rằng sự liên tục của ánh sáng bao gồm những thành phần riêng lẽ mang xung lượng và năng lượng.Tính chất của những thành phần này giống nhau một cách kỳ lạ với tính chất của cát hạt vi tử,nên người ta gọi những hạt ánh sáng là quang tử (photon).Bây giờ thì đã rõ,quan niệm này trở thành khái niệm chuẩn xác của vật lý học hiện đại về bản chất 2 mặt sóng (liên tục) hạt (bất liên tục) của ánh sáng (cũng là sóng điện từ).Không riêng gì ánh sáng mà hãy nhìn lại dòng đời của chính mình xem,ai mà chẳng hai mặt để lúc "đi với Bụt thì mặc áo Cà Sa",lúc "đi với ma thì phải mặc áo giấy"chứ !

Vì photon vừa là hạt vừa là sóng nên nó cũng là biểu hiệu của điện từ trường(giống như con người vừa có áo giấy vừa có áo cà sa nên cũng là biểu hiệu của Phật tánh),thế là xuất hiện khái niệm "lượng tử trường"(quantum field),nghĩa là trường mang hình thức lượng tử của vi hạt tử.Lượng tử trường được xem là một thực thể vật lý dàn trải khắp không gian như một dung môi liên tục cho các vi hạt tử tương tác,mà mỗi vi hạt tử chỉ là sự cô đọng từng nơi của trường,chúng chỉ là sự tập kết của năng lượng,thoắt hiện thoắt biến,không có cá tính biệt lập,xuất hiện do trường và tan rã vào trường.

Ở đây khiến ta lại liên tưởng đến thế giới quanh ta và chính bản thân ta.Cái bổn lai diện mục của ta biến hóa như là ảo ảnh mà cũng là hiện thưc.Sinh diệt chỉ là những ngọn sóng lăn tăn chìm nổi trên bề mặt của đại dương mênh mông bất sinh bất diệt.Mỗi cá nhân là một "lượng tử"của "trường vi diệu".Giá trị của nó thật là lớn lao vì nó chính là đại dương gói trong giọt nước.Nó bất tử vì nó không có ngã tính,vì nó là SẮC của KHÔNG,là KHÔNG của SẮC.

Tưởng cũng cần nhắc lại thế giới quan của vật lý học cổ điển về bản chất của vật chất.Những viên gạch cơ bản của vật chất là những vi hạt tử rắn chắc không thể phân chia và có cá tính đôc lập.Nhưng từ khi hệ thức E=m.c2(Năng lượng là tích số của khối lượng với bình phương vận tốc ánh sáng)của Einstein ra đời và đã được thực nghiệm bằng các lò phản ứng hạt nhân thì một chân trời mới đã mở ra cho quan niệm về bản chất của vật chất :"Vật chất không khác năng lượng.Năng lượng không khác vật chất.Vật chất chính là năng lương.Năng lượng chính là vật chất."

Nhát cuốc đầu tiên cuốc nhằm hòn đá đánh "keng"một tiếng,hốt nhiên đại ngộ,vứt cuốc cả cười vì mâu thuẫn đối nghịch giữa SẮC và KHÔNG đã được vượt qua.

"Kể từ xương đá trổ hoa
Sau lưng hài chiếc bước qua luân hồi.
Sống là thơ mộng mà chơi
Chết là nhảy giữa giọng cười Hư Không."

    ( Thơ của Phù Du Lão Hiền,bạn của tôi.)
                        YÊN HỒNG