Trước kia có vài người bạn
yêu cầu tôi kể vê chuyện tập thiền của tôi.Mới đây cũng có một bạn yêu cầu như
thế.
Thật mắc cỡ vì tôi không phải là một thiền sư để có uy tín nói về thiền ! Không
phải là một học giả,một chuyên gia hay một nhà trí thức để có những khảo luận
uyên bác giá trị về thiền ! Nếu phải luận về thiền thì tôi chỉ như một em bé hí
hoáy vẽ con mèo mà không ai nhìn ra con mèo (giống như Hoàng Tử Bé của Saint
Éxupery,vẽ con trăn nuốt con voi mà người lớn đều bảo là hắn vẽ cái mũ)!
Nhưng bởi bạn bè yêu cầu nên tôi phải viết như một lời chia xẻ những kinh nghiệm
riêng của bản thân mình,vì quả thật tôi có luyện tập một thời gian dài một hình
thức tập luyện giống như thiền định của Phật giáo bởi tôi có đọc nhiều sách Phật
giáo và rất thích tư tưởng Phật giáo,nhưng tôi không phải là Phật tử thuộc một
giáo hội Phật giáo nào nên không có một sư phụ hướng dẫn tu thiền theo một truyền
thống thiền nhất định.Thế nên dù tôi có tạm gọi nó là Thiền định đi nữa nhưng
chắc chắn nó không phải là thiền định đúng theo đường lối của những pháp môn tu
thiền !
Tình hình giống như chuyện tôi học đàn.Hồi còn là học sinh tôi học đàn chỉ vì
mê nhạc nên tôi cứ mầy mò tự học.Tới lớn cũng thế,nên dân chuyên nghiệp nhìn
tôi chơi đàn có thể bắt lỗi đủ thứ,nhưng khi chơi đàn thì tôi thích và có nhiều
người cũng thích nghe tôi đàn.
Cũng giống như chuyện tôi theo lớp võ Aikido.Tôi học Aikido chỉ vì tôi thích
triết lý của môn võ này.Đòn thế thì bây giờ quên sạch nhưng có 2 biến cố khiến
tôi thấy vẫn còn có một cái gì đó lưu lại.Một lần trời mưa nước đọng trên nền
nhà mà tôi không thấy,tôi bước vội,dẫm phải vũng nước,thế là đánh vèo ngã ngửa.Tôi
thật ngạc nhiên khi nhận ra mình trôi đi một quãng dài với tư thế ngã ngửa
nhưng cái đầu vẫn ngóc lên nhìn bụng nên không bị đập xuống nền nhà,một phản xạ
hoàn toàn vô ý thức.Một lần khác trời mưa lâm râm tôi đi bộ băng qua đường,một
chiếc xe máy lao thẳng vào tôi lẹ như tên bắn,bánh xe cán lên chân tôi,mũ
bảo hiểm của người chạy xe đập mạnh vào vai tôi.Chiếc xe máy ngã lăn quay cùng
với anh chàng lái xe,nhưng tôi không hiểu tại sao mình vẫn đứng trơ trơ chẳng hề
hấn gì !
Cũng giống nhu tôi tập Yoga trước kia và sau này là môn khí công Bát Đoạn Cẩm,
hoàn toàn không có thầy,chỉ vì mới đầu thấy thích triết lý của yoga,của khí
công nên mầy mò tự nghiên cứu tập thử,riết rồi đâm ra ghiền tập vì mỗi lần tập
là mỗi lần thấy sảng khoái nhẹ nhàng ngay trong lúc tập.
Thiền định cũng vậy.Tôi có thói quen tập tọa thiền (tôi chỉ ngồi bán già) mỗi tối
trước khi đi ngủ và mỗi sáng sau khi thức dậy.Tôi không quan tâm tới chuyện
mình phải ngồi bao lâu.Chỉ khi ngồi xuống thì chú ý thả lỏng thân thể trước,sau
đó chú ý tới hơi thở ra vô nhẹ nhàng chậm rãi.Một lúc sau tự nhiên nhìn thấy một
điểm sáng giữa hai chân mày,tròn như mặt trời nhưng không chói.Tôi cứ nhìn vào
đó mà quên hết mọi thứ một cách tự nhiên,kể cả hơi thở.Khi điểm sáng ấy biến mất,tôi
lại quay về với hơi thở khoảng 12 hiệp nữa rồi xả thiền,xoa bóp toàn thân bằng
hai lòng bàn tay.
Đây chỉ là kinh nghiệm của bản thân tôi,chỉ xin chia xẻ với bạn bè như một lời
tâm tình,không có ý muốn thuyết giảng hay truyền bá.Đó chỉ là một thói quen
trong cuộc sống hàng ngày,nhưng nó giúp tôi vững tin vào sự hiện hữu của lòng từ
bi và sự dũng cảm trước cái sống và cái chết.
YÊN HỒNG

vochihien wrote
on Apr 22, '11, edited on Apr 22, '11
PHỤ LỤC ENTRY THIỀN ĐỊNH
1.TẠI SAO TÔI TẬP THIỀN TỌA HÀNG NGÀY
Chân lý Phật dạy gói gọn trong 2 phần : Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.Tứ Diệu Đế
là quả của giác ngộ.Bát Chánh Đạo là phương pháp thực hiện giác ngô.Có thể tổng
hợp Bát Chánh Đạo vào 3 góc của chiếc bè vượt bể khổ hình tam giác của nhà Phật
là GIỚI,ĐỊNH,TUỆ.
Trong GIỚI có Chánh Ngữ (Ăn nói hợp với chân lý),Chánh Nghiệp (Hành động hợp với
chân lý),Chánh Mạng (Sống bằng nghề nghiệp hợp chân lý).
Trong ĐỊNH có Chánh Tư Duy (Suy nghĩ hợp với chân lý),Chánh Định (Trụ tâm ổn định
vững chải trong chân lý).
Trong TUỆ có Chánh Tinh Tấn (Siêng năng thực hiện chân lý,không lơi lỏng trì trệ),Chánh
Kiến(Thấy biết hợp chân lý),Chánh Niệm (Tỉnh thức trong hiện tại với chân lý).
Khi tọa thiền là tôi đang giữ GIỚI,vì tiếng nói của tôi là vô ngôn,hành động của
tôi là thiện nghiệp vì ngồi yên lặng hít thở nhẹ nhàng là trợ duyên cho sự an
lành của chúng sinh,nghề nghiệp của tôi lúc ấy là canh giữ sự thanh bình của
tam giới.
khi tọa thiền là tôi đang nhập ĐỊNH,vì tôi chẳng suy nghĩ gì nên mới gọi là suy
nghĩ hợp chân lý,và tâm tôi thì an trú trong chân lý vì nó đang bềnh bồng trên
làn hơi thở mỏng manh chẳng phát khởi một tạp niệm nào.
Khi tọa thiền là tôi đang khởi TUỆ,vì tôi buông xả hết mọi cố gắng nên mới gọi
là không lơi lỏng trì trệ,tôi không thấy biết gì nữa nên mới gọi là thấy biết hợp
chân lý,và tâm tôi "vô sở trụ" nên mới gọi là tỉnh thức trong hiện tại.
Như thế đấy,mỗi ngày tọa thiền là mỗi ngày thực hiện trọn vẹn Bát Chánh Đạo
trong đời sống bình thường.Ngày này tiếp nối ngày khác,công đức ấy sẽ lan tỏa
như một làn sóng bao trùm cả mười phương.
2.LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH
Khi thực hiện một việc gì người ta thường muốn biết rõ lợi ích của của việc
mình làm,càng cụ thể thiết thực thì động lực càng mạnh.Ngày nay nhờ internet
nên thông tin rất phong phú và nhanh chóng,các bạn có thể tìm kiếm thông tin
này từ rất nhiều nguồn khác nhau tùy theo nhu cầu hiểu biết và xu hướng của
mình.
Riêng với tôi,lợi ích của Thiền Định là chính nó,giống như phần thưởng của lòng
từ bi là chính lòng từ bi.Nếu có thể nói gì về lợi ích của Thiền Định thì đó
chính là trực cảm của bản thân tôi thông qua thực hành lâu dài.
YÊN HỒNG
obvetolive@ Phật tử tu thiền Tứ Niệm Xứ thường quan tâm tới
4 Đạo quả : Tu Đà Hoàn,Tư Đà Hàm,A Na Hàm,A La Hán.Nhưng nếu đọc trong Trưởng
Lão Lăng Kệ (Theragatha) sẽ thấy Ngài A Nan chứng quả A La Hán khi đang quay
mình đặt lưng xuống nghỉ.Ngài Châu Lợi Bàn Đà Già ngộ Đạo trong khi đang quét
nhà..v..v...Riêng với Thiền Tông thì đặc biệt xử dụng phương pháp của Tổ Sư Bồ
Đề :"Giáo ngoại biệt truyền.Bất lập văn tự.Trực chỉ nhân tâm.Kiến tánh
thành Phật ".
Kinh văn có tới tam tạng.Phật Pháp có tới tám vạn tư.Tông phái có tới 10 tông
phái lớn.Người tu học pháp Phật rất dễ bị hoang mang như lạc giữa rừng già,như
một dòng sông muốn về biển cả phải uốn lượn qua bao nhiêu ghềnh thác ! Nhưng
"Tất cả là một" (Kinh Hoa Nghiêm),tựa như một giọt nước dù ở sông suối
ao hồ hay biển cả vẫn cứ là giọt nước.Giác ngộ được cái "bản lai diện mục"
thì sẽ chứng ngộ được Tánh Không của vạn pháp.Đó là cốt tủy của Phật đạo,là con
đường giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Mỗi cá nhân trên con đường tu học chỉ là một phần của đạo lộ ấy.Chuyện chứng đắc
thế nào còn phụ thuộc vào trùng trùng duyên khởi.Thế nên khi giác ngộ được tính
vô thường vô ngã của thân tâm thì có thể an định trong tu tập ở giờ phút hiện tại.
Như đã "thành khẩn khai báo" ngay ở phần đầu của entry này,anh chỉ là
một hành giả ngoại đạo,không theo một truyền thống chân chính nào nên không
quan tâm tới chuyện mình đang đi đường nào và đi tới đâu ! Anh chỉ kinh nghiệm
được những điều sau đây thông qua việc thực hành thiền định (kiểu của anh) một
thời gian dài,ấy là anh thấy mình rất dễ dàng cảm thông với mọi người dù có
khác biệt tới đâu,nên anh hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của lòng từ bi.Anh
thấy mình thoát ly được nỗi sợ hãi về bệnh tật và chết chóc,dễ dàng bình tĩnh
trước mọi tình huống khó khăn...Chỉ có thể chia xẻ với em gái vài điều nhỏ nhỏ ấy
thôi nhé,hehe. Chúc em cứ tiếp tục võ vẻ nhé,dù chưa tới đâu nhưng ấm nước đun
mãi rồi cũng phải sôi,chỉ cần đừng để cho lửa tắt.Hehehe...
YÊN HỒNG